Lừa đảo chuyển tiền qua mạng: Thủ đoạn cũ, chiêu thức mới
Thủ đoạn của các đối tượng là sau khi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sẽ tìm hiểu lịch sử giao dịch, từ đó, dàn dựng kịch bản lừa đảo

Đã biết về nhiều trường hợp bị đánh cắp nick facebook, zalo, sau đó bị lừa chuyển tiền qua tài khoản, anh Nguyễn Tùng ở thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai luôn cẩn thận trong mọi giao dịch ngân hàng. Thế nhưng, Anh Tùng cũng không ngờ, mình lại chính là nạn nhân tiếp theo. Dù trước đó anh đã cẩn trọng kiểm tra lại thông tin với người hỏi vay tiền.

Anh Nguyễn Đình Tùng, thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai cho biết: “Văn phong của đối tượng nhắn tin em thấy rất giống chủ của nick đó. Em tin ở chỗ là khi em bảo không đủ tiền để chuyển khoản thì người ta cũng không bảo mình chuyển ngay, không bảo đi vay ai, không bảo như thế nào cả”.

Cũng sử dụng với thủ đoạn tương tự, các đối tượng sau khi chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sẽ tìm hiểu lịch sử giao dịch, tin nhắn trao đổi giữa bạn bè hoặc người thân với chủ tài khoản, từ đó, dàn dựng kịch bản lừa đảo.

Chị Trang ở thành phố Thái Nguyên cũng vừa bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 1 số tiền lớn nhưng với chiêu thức tinh vi hơn. Để đáp ứng công việc, chị Trang luôn phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền trên các App ngân hàng Online nhưng chỉ với 1 chút mất cảnh giác dù đã gọi điện thoại video để xác minh thế nhưng số tiền 37 triệu đồng đã không cánh mà bay

Chị Bùi Thị Huyền Trang, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên kể lại: “Tin là tin ở chỗ mẹ em vừa tag tên em xong vào cái thẻ làm căn cước thì mình mới nghĩ là mẹ vẫn online facebook, nick mẹ vẫn sáng thì thấy có tin nhắn ghi là chuyển cho mẹ vào tài khoản này. Thế là em không hoài nghi gì cả. Em chuyển khoản luôn. Sau đó nghi ngờ em mới gọi video. Em vừa gọi một cái thì thấy mặt mẹ cười tràn màn hình thì tắt đi luôn”.

Theo nhận định với chiêu thức thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã thu thập dữ liệu, thông tin hình ảnh, để khi người bị hại gọi điện thoại video xác minh thì các đối tượng quay camera vào các đoạn video hay hình ảnh được chuẩn bị từ trước hòng tạo dựng lòng tin với người bị hại. Đây là một hình thức lừa đảo với các chiêu thức tinh vi mới đáng báo động, khi số lượng người sử dụng các mạng xã hội để giao dịch, trao đổi thông tin ngày càng tăng.

Lừa đảo chuyển tiền qua mạng: Thủ đoạn cũ, chiêu thức mới
Mỗi người cần cảnh giác và dành thời gian để xác minh thông tin thật kỹ trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

Nhiều nạn nhân sau khi bị mất tiền đã chia sẻ câu chuyện của mình lên các trang mạng xã hội, nhận được nhiều sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, nhiều người sau khi bị lừa nhưng với tâm lý số tiền không lớn nên đã không đến trình báo với cơ quan công an. Điều này cũng đã gây khó khăn trong công tác quản lý và nắm bắt thông tin của các đơn vị chức năng.

Trung Tá Dương Trung Kiên, Đội Trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Thái Nguyên cho biết: “Qua những vụ việc này, chúng tôi cũng tập trung rà soát đối tượng để đấu tranh, đồng thời đưa ra cảnh báo cho người dân. Thứ nhất khi các tài khoản facebook, zalo nhờ chuyển tiền thì đề nghị người dân phải xác nhận lại thông tin. Thứ 2 là khi đã bị hack facebook, zalo thì đề nghị thông báo trên hệ thống để bạn bè, người thân người quen biết để phòng, tránh rủi ro và không chuyển tiền”.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và các mạng xã hội, việc lừa đảo qua mạng đang là vấn nạn nhức nhối mà mỗi người cần phải trang bị cho mình những kiến thức và sự cẩn trọng để không trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao.

Không chủ quan và cần dành thời gian để xác minh thông tin thật kỹ trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền - có lẽ là câu nói quá quen thuộc nhưng cũng chưa bao giờ là thừa trong các giao dịch online./.