9 tháng năm 2018, các ngân hàng đều đạt lợi nhuận ở mức cao dù tăng trưởng tín dụng có giới hạn chật hẹp hơn, không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới room như những năm trước. Hiện tại, 26 ngân hàng đã hoàn thành được 77% kế hoạch cả năm 2018. Một số ngân hàng lớn đã hoàn thành gần 90% kế hoạch năm nay chỉ trong 9 tháng.

Trong đó, Vietcombank giữ vị trí đầu bảng với lãi hợp nhất trước thuế đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Techcombank với lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Xếp thứ ba về lợi nhuận là VietinBank với lũy kế 9 tháng đạt 7.596 tỷ đồng trước thuế, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. BIDV xếp vị trí thứ tư khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mức 7.254 tỷ đồng...

Theo phân tích báo cáo tài chính của NHNN, để đạt được con số “khủng” chỉ trong vòng 9 tháng, các ngân hàng đã có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu, gia tăng lợi nhuận từ đóng góp của dịch vụ, thu lãi từ thẻ tín dụng, bảo hiểm, tư vấn...

loi nhuan va no xau ngan hang cung tang manh co dang lo
Song song với lợi nhuận khủng là nợ xấu gia tăng. (Ảnh minh họa: KT)

Bên cạnh những điểm sáng, trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong 9 tháng qua cũng nổi lên một “hiện tượng lạ”, đó là tại nhiều ngân hàng thương mại, nợ xấu có xu hướng tăng lên, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh.

Cụ thể, trong khối ngân hàng cổ phần Nhà nước, nợ xấu cuối quý 3 của VietinBank là 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 34,6% so với đầu năm 2018.

Theo báo cáo tài chính của BIDV, hết quý 3, ngân hàng này có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm 2018, tức là tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại BIDV chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Hay tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...

Tại ngân hàng VIB, tính đến hết tháng 9/2018, nợ có khả năng mất vốn tăng lên hơn 2.002 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cuối 2017. Với ngân hàng Bắc Á, nợ xấu cũng tăng 23% so với đầu năm, lên 431 tỷ đồng….

Nhiều ngân hàng lý giải, nguyên nhân nợ xấu tăng là do mua lại số nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trước đó. Đây là điều bình thường trong hoạt động của ngành ngân hàng, chưa phải là vấn đề đáng lo ngại, dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%.

Theo phân tích của chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu tăng liên quan đến việc tăng trưởng tín dụng, vì nợ xấu có 2 cấu phần, nợ xấu cũ và nợ xấu mới. Trên thực tế, nợ xấu cũ chưa được giải quyết thấu đáo, mặc dù theo con số thống kê có vẻ tích cực nhưng thực ra nợ xấu vẫn tồn đọng nhiều.

Bên cạnh nợ xấu cũ còn dai dẳng thì nợ xấu mới lại phát sinh do các ngân hàng mạnh tay cho vay. Hơn nữa, nhiều ngân hàng trong 2 quý đầu năm 2018 đã xài hết room tín dụng mà NHNN giao, thành ra họ phải đẩy mạnh tín dụng trong quá trình hoạt động.

Ông Hiếu cho rằng, đẩy mạnh tín dụng thường đi đôi với rủi ro và làm tăng nợ xấu. Tăng trưởng tín dụng thường mang lại kết quả kinh doanh tốt vì 80% lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng, ở chiều ngược lại, đây lại là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gia tăng.

Từ những diễn biến đó, TS. Hiếu đánh giá, năm nay NHNN quyết định siết room tín dụng cho các ngân hàng thì đó là động thái tích cực, mặc dù đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết room, không còn room để cho vay vào những tháng cuối năm.

Trước tình hình nợ xấu gia tăng khiến nhiều người lo ngại, chuyên gia kinh tế này chia sẻ, vấn đề quản lý rủi ro tín dụng tại các ngân hàng phải được tăng cường. Thông thường tăng trưởng tín dụng đi kèm với phát sinh nợ xấu. Nếu các ngân hàng thận trọng trong việc cho vay vốn thì sẽ không xảy ra tình trạng này, đồng thời vẫn có thể tăng trưởng tín dụng và kiểm soát được nợ xấu.

“Điều quan trọng nữa, khi cho vay, các ngân hàng nên dựa vào khả năng tài chính và dòng tiền của khách hàng hơn là chỉ căn cứ vào tài sản bảo đảm. Nhiều ngân hàng hoạt động như một “tiệm cầm đồ”, nếu có tài sản bảo đảm thì sẵn sàng cho vay, có nhà cửa, có bất động sản, tính theo tỷ lệ 60-70% trên giá trị bất động sản cho vay mà không quan tâm nhiều đến khả năng trả nợ của khách hàng. Điều đó khiến lợi nhuận của các ngân hàng tăng trưởng rất nhanh nhưng lại tạo ra rủi ro lớn. Nếu không kiểm soát được dòng tiền, sử dụng tín dụng bừa bãi, sai mục đích, không quản lý được thu nhập của khách hàng, không quản lý được dòng tiền kinh doanh thì sẽ dẫn đến mất khả năng thu hồi nợ, nợ xấu gia tăng”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo./.