Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ là: Chính phủ giao sớm kế hoạch, chuẩn bị việc ban hành Nghị quyết số 01 thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, thực hiện ngay từ những ngày đầu của năm mới.

Người dân, doanh nghiệp có thể cảm nhận được tinh thần của một Chính phủ hành động từ những chỉ đạo như vậy của người đứng đầu Chính phủ. Và cũng cảm nhận được sự sốt ruột của nhà điều hành, khi thực tế của năm 2016 cho thấy, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế dự báo không đạt so với kế hoạch, do nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan, nội tại.

lo som nghi xa kiem soat chat
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Đơn cử việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, tỷ lệ giải ngân đạt thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm giảm phần đóng góp của đầu tư công vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước. Theo lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Tiền có - kế hoạch có nhưng không tiêu được”.

“Có tiền không tiêu được”- là điều rất đáng suy ngẫm. Liệu có phải Bộ Tài chính đang làm khó các địa phương, các ngành với các quy định về tài chính? Hay các bộ, ngành chưa có sự thống nhất, từ kế hoạch cho tới việc triển khai cụ thể các chương trình, dự án đầu tư, làm việc kiểu “nước đến chân mới nhảy”?

Rồi ngay cả từ việc lập kế hoạch, dự án đầu tư liệu đã ổn hay chưa? Bởi về nguyên tắc, đã được thể hiện qua các chế định của Luật Đầu tư công: Không thể tiếp tục tiêu tiền vào những dự án kém hiệu quả, không thể “giải ngân lấy được”.

Một ví dụ về việc phân bổ vốn đầu tư chậm, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, tại dự án giao thông trọng điểm là Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Nghị quyết của Chính phủ giao các Bộ ngành trình phương án phân bổ vốn dư của dự án này từ đầu năm, để đầu tư tiếp tục cho các hạng mục khác liên quan tới 2 dự án, nhưng tới tháng 10 vừa rồi, mới có phương án để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phân bổ ngân sách. 4 Bộ liên quan đã phải kiểm điểm trước Thủ tướng về sự chậm trễ này!

Cách làm việc đủng đỉnh, “sớm không vừa, trưa không vội”, quan liêu, xa rời thực tiễn, xa dân như một căn bệnh kinh niên của bộ máy công quyền, là điều mà Chính phủ nhiệm kỳ mới đang quyết tâm, nỗ lực “chữa trị”, thay đổi dần qua phương thức điều hành, có cơ chế kiểm soát, giám sát, bước đầu qua hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng đã giao việc với tinh thần: Ngắn gọn, có tính dự báo, giải pháp rõ ràng; yêu cầu các thành viên Chính phủ suy nghĩ, tìm giải pháp thực hiện lời hứa trước đại biểu Quốc hội - là lời hứa trước dân, về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, bội chi, cơ cấu lại nền kinh tế hiệu quả, chuẩn bị thực hiện tốt, hoàn thành nhiệm vụ của năm tiếp theo trong kế hoạch 5 năm, đưa đất nước vượt qua khó khăn, huy động mọi tiềm năng để phát triển bền vững trong hội nhập.

Lo việc sớm, nghĩ xa, kiểm soát chặt - thông điệp thể hiện sự chủ động này cần phải thấu từ bộ máy bên trên tới từng cơ sở!./.