Lời giải cho bài toán thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp
Mô hình trồng dưa chuột bao tử bằng phương pháp canh tác sử dụng giá thể

Diện tích đất hẹp, manh mún khó canh tác nên anh nông dân trẻ này đã áp dụng mô hình trồng dưa chuột bao tử bằng phương pháp canh tác sử dụng giá thể. Với hình thức canh tác này, trên 500m2 nhà lưới sẽ chứa được khoảng 1000 giá thể với năng suất dự ước mỗi vụ là cả tấn thành phẩm.

Anh Lê Hữu Hiệu, Tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn, TP Sông Công cho biết: “Dưa bao tử trên thị trường nông sản Thái Nguyên gần như không có người trồng nên thị trường của mình phát triển tốt”.

Canh tác trong điều kiện hiện đại như vậy, ngoài việc tiết kiệm được công lao động thì người sản xuất có thể tiết kiệm được diện tích. Ngoài ra, việc trồng ở nhiều địa hình khác nhau cũng tối đa hóa chi phí khi đưa nông sản ra thị trường tiêu thụ.

Với diện tích đất xen kẹt đã được tận dụng để trồng cây thanh long ruột đỏ từ nhiều năm nay. Với giống cây dễ chăm sóc, chi phí sản xuất thấp mà giá thành phẩm ở mức chấp nhận được, dễ tiêu thụ thì đây là một giải pháp khả quan khi với những lao động nông nghiệp cao tuổi, khó khăn để chuyển nghề khi mà quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Tổ dân phố 6, phường Lương Sơn, TP Sông Công cho biết về ưu thế: “Một năm cây trồng này cho 12 lứa quả. Tôi thấy cây này hiệu quả, năng suất cao”.

Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực trong việc đưa loại cây trồng mới, giống mới, cùng với phương pháp canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật, tình hình sản xuất nông nghiệp ở TP Sông Công cũng còn nhiều vấn đề nan giải như: Quá trình thích ứng của nông dân còn chậm, sản xuất nhỏ sẽ có chi phí đầu vào cao, trong khi tiêu thụ khó khăn, khó tạo được chuỗi liên kết. Sản phẩm đầu ra có giá trị cao có lẽ là phương án khả thi đối với việc sản xuất nông nghiệp ở khu vực đô thị như TP Sông Công.

Bà Đoàn Thị Hồng, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Sông Công cho rằng: “Thành phố đã có cơ chế hỗ trợ về giống, về mô hình như hệ thống tưới, kỹ thuật để hướng dẫn bà con nông dân thực hiện thành công các mô hình nông nghiệp canh tác có chiều sâu và cho chất lượng cao”.

Nếu như vào năm 2016, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của TP Sông công ước chừng là trên 8.200 ha thì nay chỉ còn khoảng 5.800 ha. Mặc dù vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp của Sông Công thời điểm này đã tăng gần 24% só với năm 2016. Điều đó cho thấy, mặc dù diện tích sản xuất giảm nhưng dư địa giá trị vẫn còn nhiều với sản xuất nông nghiệp Sông Công. Vì vậy, Sông Công vẫn đang đầu tư cho sản xuất nông nghiệp không chỉ để đảm bảo an ninh lương thực mà còn đem lại giá trị kinh tế cho người làm nông nghiệp và bà con nông dân.