Linh thiêng lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên Quần đảo Trường Sa
Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại Quần đảo Trường Sa.

Giữa biển khơi, trên vùng đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma, tiếng nhạc Hồn tử sĩ cất lên, chìm trong khoảng không tĩnh lặng, linh thiêng, các đại biểu tưởng nhớ lại sự kiện của 34 năm về trước - thời điểm xảy ra cuộc hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988.

Đây là vùng biển mà cách đây 34 năm (ngày 14/3/1988), bất chấp lẽ phải và công lý tàu nước ngoài đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của nước ta. Từ trong cuộc chiến không cân sức đó, xuất hiện những tấm gương của cán bộ, thủy thủ các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2; của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Với tinh thần chủ quyền Tổ quốc là trên hết, dù biết có thể sẽ hy sinh, nhưng các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường chiến đấu để bảo vệ biển đảo.

Trung tá Trần Văn Trình, Chính trị viên Đảo Sinh Tồn phát biểu: "Chúng ta cảm phục tâm gương anh dũng hy sinh của anh hùng liệt sĩ Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ thuyền trưởng tàu HQ604, anh hùng liệt sĩ Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Trước sự tấn công của giặc thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Trần Văn Phương đã hiên ngang cuốn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội không được lùi bước phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của dân tộc."

Các cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Trong trận chiến Gạc Ma, có 64 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh. Trận chiến Gạc Ma là bằng chứng nói lên sự tàn khốc của chiến tranh và đau thương, mất mát to lớn mà chúng ta phải gánh chịu. Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại biển sâu, nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Cả phục trước sự hy sinh anh dũng và những mất mát đau thương của đất nước, của mỗi gia đình phải gắng chịu, Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã viết:

"Các anh lấy ngực mình làm lá chắn, Để một lần Tổ quốc được sinh ra, Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm, Các anh hóa cánh chim muôn dặm sóng, Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ, Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển, Con đấy mà, mẹ đã nhận ra chưa"

Anh Nguyễn Tiến Đông, Phóng viên Báo Nghệ An chia sẻ: "Đã từng viết nhiều về các liệt sĩ Trường Sa, Gạc Ma. Trong những câu chuyện của mình, những người mẹ, người vợ họ luôn mong mỏi rằng sẽ tìm được hài cốt của các anh. Nhưng mà có mặt tại đây tôi hiểu rằng đến thời điểm này thân xác các anh đã hòa vào biển cả của Tổ quốc. Và chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh gác vùng biển của Tổ quốc thì tôi hiểu rằng các anh đang tiếp tục viết nên truyền thống của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên Quần đảo Trường Sa."

Thượng Úy Đinh Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Đảo Len Đao, huyện Đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa nói: "Bản thân là người chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại đảo Len Đao, thấy rõ trách nhiệm bản thân tôi luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh."

Trường Sa ngày nay vẫn còn nhiều khó khăn gian khổ; cán bộ, chiến sĩ âm thầm hy sinh tuổi thanh xuân của mình để trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình ổn định trên biển. Những ngọn nến, những nén nhang, lễ vật, những nhành hoa tươi và cánh chim hạc của đoàn công tác dâng lên cũng là lời hứa quyết tâm trước hương hồn của các anh hùng liệt sĩ. Quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc, và xây dựng Trường Sa thành một trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội trên biển, xứng đáng với vị trí chiến lược của Biển Đông.