Lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Các đại biểu tham dự hội nghị

Qua 10 năm thực thi, Luật Đất đai 2013 có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng đến thời điểm này, nhiều quy định không còn phù hợp, cần có sự sửa đổi sát với thị trường hơn. Hội nghị được tổ chức với đối tượng lấy ý kiến là đại diện Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố; các tổ chức thành viên; đại diện sở, ngành, địa phương đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát với thực tiễn.

Với 9 chủ đề được gợi ý lấy ý kiến của Dự thảo. Trong đó, nội dung được đại biểu quan tâm và góp ý nhiều nhất là vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Mối quan tâm này xuất phát từ những tồn tại thời gian qua do công tác quy hoạch chậm trễ, ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương và quyền lợi của người dân.

Ông Ngô Thế Đề - Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh phát biểu: "Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội phải bổ sung cho rõ hơn vì lý do nào đó người dân ở vùng dự án chưa biết quy hoạch thì phải công bố công khai, hoặc niêm yết để nhân dân biết..."

Ông Phan Bội Thọ, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Hiện đang có sự khách nhau giữa Luật Quy hoạch và Luật Đất đai. Trong hệ thống Luật Quy hoạch cũng có 5 nội dung và có quy hoạch vùng, tuy nhiên trong Luật Đất đai thì không có. Có thể vẫn giữ như dự thảo Luật Đất đai nhưng cần phải có quy định chi tiết, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai để đảm bảo Luật ra đời được chính xác."

Cho rằng, Dự thảo lần này đã cụ thể nhiều vướng mắc trong luật hiện hành về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân có đất bị thu hồi. Các ý kiến đề nghị Dự thảo cần quy định cụ thể hơn nữa quy định về điều kiện, trình tự sử dụng đất thực hiện dự án thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất...

Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên nêu: "Việc tái định cư trong quá trình triển khai các dự án và chỉ rõ luôn các dự án khu dân cư, khu đô thị là người dân được tái định cư tại chỗ. Chính vì vậy, việc tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500 thì phải dành quỹ đất tái định cư ngay trong dự án."

Ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND TP Phổ Yên nói: "Để thực hiện theo luật thì phải quy định rõ việc thoả thuận, nếu thoả thuận không được yêu cầu các hộ phải chấp hành theo quy định thì dự án mới triển khai được."

Khẳng định giá đất và định giá đất là một trong những nội dung quan trọng trong Luật Đất đai. Nếu khơi thông được quy định này thì những vấn đề khác sẽ được xử lý, từ đến bù giải phóng mặt bằng đến hỗ trợ tái định cư. Một một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về vấn đề này để thực sự đảm bảo công bằng, tạo hành lang pháp lý trong thu hồi đất. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến đối tượng, hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; hộ gia đình sử dụng đất tiếp tục nhận được ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn.

Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ phát biểu: "Hạn mức đối với người được công nhận quyền sử dụng đất là bao nhiêu? Vì hầu như việc người dân sử dụng và lấn chiếm diễn ra khá phổ biến."

Với 16 chương, 236 điều, Dự thảo Luật đất đai (Sửa đổi) có nhiều quy định sát sườn với quyền lợi của người dân. Bởi vậy việc thu thập ý kiến từ các tầng lớp nhân dân rất quan trọng, những ý kiến xác đáng sẽ giúp chỉ ra những lỗ hổng, bất cập chưa phù hợp với thực tiễn. Dự thảo Luật Đất đai (Sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10/2023, thời gian lấy ý kiến nhân dân sẽ kết thúc vào ngày 15/3.