Lan tỏa giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số
Bảo tồn văn hóa theo hình thức câu lạc bộ, hội, nhóm là một trong những hình thức phổ biến hiện nay đối với nhiều vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Được thành lập từ năm 2015, Câu lạc bộ Sấng cọ xóm Khuân U, xã Na Mao, huyện Đại Từ hiện có gần 70 thành viên. Ngoài việc tham gia trình diễn các hoạt động giao lưu, văn nghệ, thành viên trong câu lạc bộ còn tự tổ chức những buổi sinh hoạt tại địa phương, tái hiện các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Sán Chay. Qua đó không chỉ lan tỏa các nét văn hóa truyền thống mà còn khơi dậy và giáo dục cho thế hệ trẻ Sán Chay thêm tự hào về bản sắc dân tộc.

Bà Trần Thị Án, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sấng cọ xóm Khuân U chia sẻ: "Mỗi tuần chúng tôi cho trẻ tập 1 buổi vào chủ nhật, dạy trẻ hát, múa, học tiếng dân tộc, cố gắng truyền dạy lại cho các con".

Em Âu Dương Ngân, xã Na Mao, huyện Đại Từ cho hay: "Em rất vui và thích trang phục dân tộc, được các bà, các cô dạy múa hát".

Bảo tồn văn hóa theo hình thức câu lạc bộ, hội, nhóm là một trong những hình thức phổ biến hiện nay đối với nhiều vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thông qua đó, quy tụ được những nghệ nhân, hạt nhân văn hóa tại cơ sở; khơi dậy được sự tham gia của chính cộng đồng dân tộc ở địa phương. Bởi họ mới chính là chủ thể văn hóa, giữ vai trò chính trong việc giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Anh Bàn Như Linh, xóm Đồng Trình, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Tôi học chữ nôm Dao để không bị mất gốc, sau này còn có thể truyền dạy cho con cháu biết đọc, viết chữ nôm Dao".

Ông Trần Bình Dưỡng, Chủ tịch Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Chúng tôi vận động xây dựng Hội, phát triển hội viên cùng vận động nhân dân giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục và các phong tục tập quán tốt đẹp, góp phần làm phong phú hơn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung".

Lan tỏa giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số
Các đồng bào dân tộc thiểu số là chủ thể văn hóa, giữ vai trò chính trong việc giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Hiện cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 550 di sản văn hóa phi vật thể đang được lưu giữ và phát huy. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”. Việc triển khai này sẽ tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa.

Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng các mô hình văn hóa, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục những làn điệu dân ca, dân vũ và các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số. Sự tham gia trực tiếp của đồng bào dân tộc thiểu số vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn đóng vai trò rất quan trọng, là nhân tố quyết định bởi chính đồng bào mới là chủ nhân của những di sản văn hóa đó".

Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được kết quả tích cực. Bên cạnh vai trò của Nhà nước thì cộng đồng các dân tộc cần thường xuyên thực hành, tăng cường việc truyền dạy để những di sản văn hóa tiếp tục được lưu giữ, lan tỏa, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương./.