Làm báo thời Covid
Các phóng viên tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19.

Nhà báo Nguyên Ngọc, Báo Thái Nguyên là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt tại xã Dương Thành, huyện Phú Bình – nơi phát hiện 2 ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong đợt dịch thứ 4. Tác nghiệp trong môi trường đặc thù, nhiều nguy hiểm, khó khăn, bản thân anh và các đồng nghiệp đã chủ động vận dụng kỹ năng, nghiệp vụ báo chí để có thể phản ánh kịp thời diễn biến của dịch bệnh và nỗ lực của các lực lượng chức năng trong công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Nhà báo Nguyên Ngọc chia sẻ: "10 năm trong nghề tôi cũng đã tác nghiệp ở rất nhiều điều kiện khác nhau, tuy nhiên có mặt trực tiếp tại địa bàn xảy ra dịch là điều kiện hết sức đặc biệt; mặc dù vậy tôi cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, bài viết của mình cũng chân thực hơn"

Trong bối cảnh dịch bệnh, khi mà mọi hoạt động KT - XH đều thu nhỏ quy mô, thì guồng quay của báo chí lại được đánh giá là nhiều hơn, nhanh hơn và rộng hơn. Bởi thực tế, Báo chí có tính định kỳ, trong điều kiện lượng thông tin dồi dào, lượng độc giả tăng vọt, có nghĩa guồng quay của báo chí không được chậm lại mà thậm chí phải nhiều hơn, nhanh hơn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu về thông tin của công chúng, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cũng phải thay đổi cách thức quản lý, điều hành trong phương thức tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, theo hướng vận dụng linh hoạt, hiệu quả các loại hình báo chí đa phương tiện, đa nền tảng để chuyển tải thông tin.

Nhà báo Ngọc Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên cho biết: "Toàn bộ hoạt động điều hành của chúng tôi vẫn giữ nguyên, nhưng phương pháp làm việc chuyển sang trực tuyến; đối với tác nghiệp của phóng viên tại vùng có dịch, ngoài hỗ trợ các vật tư phòng chống dịch, chúng tôi còn hỗ trợ về trang thiết bị để phóng viên có thể tác nghiệp từ xa, hướng dẫn phóng viên khi tác nghiệp về nhà thì tuân thủ các biện pháp chống dịch tại địa phương như thế nào".

Phóng viên Hương Liên, Phòng Thông tin điện tử và Đối ngoại, Đài PT-TH Thái Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi đã theo sát các sự kiện để tránh bị động, bên cạnh đó khi phỏng vấn bằng Facebook, Zalo có những thời điểm không thể tốt bằng máy quay chuyên dụng, tuy nhiên chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để đảm bảo nhiệm vụ tốt nhất".

Đặc biệt, khi nhiều địa phương, khu vực trong tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động tác nghiệp báo chí của các phóng viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện, nhất là tại 2 địa phương phát hiện ra các ca mắc Covid-19 là huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên cũng được nâng lên cấp độ cao, qua đó góp phần cùng các cơ quan báo chí trên địa bàn nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.

Nhà báo Chu Thị Hường - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông thị xã Phổ Yên cho biết: "Ban giám đốc Trung tâm chúng tôi đã họp bàn phương án tuyên truyền cụ thể; đặc biệt trong giai đoạn cao điểm, chúng tôi đã phân công phóng viên trực 24/24h, sẵn sàng nhận nhiệm vụ; đảm bảo công tác tuyên truyền để người dân tiếp nhận thông tin chính xác nhất"

Trong một “ma trận” về thông tin dịch bệnh trên mạng xã hội có thể khiến công chúng hoang mang, lo lắng, thì hơn lúc nào hết, với vai trò là kênh thông tin chính thống, báo chí Thái Nguyên đã góp tiếng nói quan trọng trong việc định hướng dư luận xã hội; giúp người dân có cái nhìn chân thực nhất, đúng đắn nhất và tin tưởng nhất vào cuộc chiến chống dịch mà cả hệ thống chính trị đang vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt. Ở góc nhìn nghiệp vụ, đại dịch Covid -19 cũng đã tạo ra kho đề tài khổng lồ cho báo chí. Bởi vậy, đối với những người làm báo, với “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” phải khai thác hiệu quả kho đề tài ấy để góp phần quan trọng vào “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch thành công.