ky niem 60 nam ngay thanh lap nganh kiem sat nhan dan
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm.

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc Lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước. Nằm trong hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ ngày 31/12/1960 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm sát nhân dân Thái Nguyên đã vượt qua những khó khăn, thử thách, không ngừng phấn đấu, trưởng thành, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ chính trị, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp ở Thái Nguyên đã chủ động có những biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát, xét xử các vụ án hình sự, trong đó trọng tâm là nâng cao kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Viện kiểm sát hai cấp trong tỉnh đã phối hợp với Tòa án hai cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, thực hành quyền công tố trên 12.000 phiên tòa sơ thẩm, trên 1.100 phiên tòa phúc thẩm. Song song với công tác thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát hai cấp đã chú trọng thực hiện quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tư pháp, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên và lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chúc mừng những thành tích và đóng góp to lớn của cán bộ, công chức ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong 60 năm qua. Các đồng chí đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các mặt công tác kiểm sát, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác của ngành Kiểm sát nhân dân được giao; tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, quan tâm thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết kịp thời theo quy định pháp luật về đơn thư khiếu nại tố cáo; chủ động phối hợp với ngành chức năng, nhất là các cơ quan tư pháp, cơ quan tố tụng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm./.