Kỳ 2: Giữ rừng từ gốc - Đừng chỉ là hình thức
Vụ việc phát phá rừng trái phép này xảy ra tại lô 2, khoảnh 1, tiểu khu 82, trạng thái rừng Iib - rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất từ năm 2013 và đã được giao cho hộ ông Bàn Đức Thành, xóm Khe Cái, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai quản lý và bảo vệ.

Có một nghịch lý trong công tác bảo vệ rừng ở xã Vũ Chấn là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp đều được báo cáo là triển khai bài bản hàng năm, thậm chí xã đã tiến hành ký cam kết đên từng hộ gia đình nhằm nâng cao nhận thức, phát huy sự chủ động, tích cực của người dân, cùng với lực lượng chức năng để giữ rừng. Thế nhưng, rừng thì vẫn mất. Điều đó cho thấy, những cách làm trên còn mang tính hình thức, chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.

Ông Triệu Văn Sản, Phó ban Lâm nghiệp xã Vũ Chấn cho biết: “Theo Luật lâm nghiệp với góc độ tuyên truyền đến bà con là chính, thì riêng bản thân tôi với Ban lâm nghiệp thì cũng tuyên truyền hết mình. Công tác tuyên truyền thôi, chứ còn nếu mà bảo quản lý, thì với cơ quan chuyên môn để mà xử lý các trường hợp thì nói thật sự là cũng không thể làm triệt để được”.

Ông Triệu Tiến Hiện, Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn thông tin: “Năm 2019, hộ này cũng cam kết. 2020, hộ này vi phạm tiếp là xã cũng thành lập xuống kiểm tra, cũng lập biên bản nhắc nhở 1 lần, cũng xử lý cái hộ này rồi, lập biên bản nhắc nhở tại chỗ rồi, cũng lô này khoảnh này, nhưng vị trí khác. Năm 2021, lại tiếp tục xảy ra thì chúng tôi, nói chung là xã rất khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng”.

Việc quản lý bảo vệ rừng lỏng lẻo, lúng túng và thiếu trách nhiệm được thể hiện rất rõ khi một sự việc khai thác rừng được cho là nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn và có dấu hiệu xử lý hình sự, nhưng Chủ tịch UBND xã và cán bộ lâm nghiệp xã Vũ Chấn cũng không nhớ nổi nó xảy ra vào thời điểm nào, không có bất cứ tài liệu gì liên quan, ngay cả biên bản ban đầu lập tại hiện trường nơi xảy ra vụ việc, xã cũng không hề lưu giữ.

Kỳ 2: Giữ rừng từ gốc - Đừng chỉ là hình thức
Bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai trao đổi với phóng viên, thể hiện quan điểm của huyện về xử lý dứt điểm vụ việc.

Bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai cho rằng: “Có việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ. Quan điểm của huyện là vi phạm đến đâu, xử lý đến đó theo quy định và sẽ không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng vi phạm. UBND huyện cũng sẽ xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra khai thác rừng trái phép tại Vũ Chấn”.

Ông Nguyễn Bá Phòng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai cũng cho biết thêm: “Đối với đơn vị Hạt, sẽ căn cứ vào các quy chế và các quy định, sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ xem xét trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn, cũng như trách nhiệm cảu các cơ quan đơn vị thuộc thẩm quyền của Hạt”.

Theo quy định của pháp luật, nơi nào để xảy ra mất rừng, thì Chủ tịch UBND cấp xã và Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm, tùy vào mức độ, quy mô để xem xét trách nhiệm đối với từng tập thể, cá nhân, những người có liên quan. Bên cạnh đó, những giải pháp về nâng cao hơn nữa trách nhiệm, hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn cần phải được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chứ không chỉ làm vì hình thức.

Bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai nhấn mạnh: “Đối với huyện thì có Hạt Kiểm lâm, đối với xã thì có kiểm lâm địa bàn, và mỗi một xóm thì có Tổ quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, khi mà việc vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng xảy ra thì lại chậm được phát hiện. Theo quan điểm của tôi, thực sự lực lượng tại cơ sở chưa thực hiện hết trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng”.

Từ vụ việc xảy ra tại xã Vũ Chấn thời gian qua, một lần nữa những lỗ hổng về công tác quản lý bảo vệ rừng tại chỗ, từ cơ sở, cần phải được nhìn nhận thấu đáo và có giải pháp căn cơ để khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Nếu không những vụ việc khai thác rừng trái phép tương tự rất có thể tiếp tục lại xảy ra, không chỉ ở Vũ Chấn mà còn nhiều địa phương khác./.