Kính thiên văn Không gian Kepler cho phép con người quan sát một số lượng lớn ngoại hành tinh trong vũ trụ có thể sẽ hết nhiên liệu trong vài tháng tới, theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Một khi điều này xảy ra, nhiệm vụ của nó sẽ kết thúc và liên lạc sẽ bị mất.

kinh thien van khong gian kepler cua nasa dang het nhien lieu
Kính thiên văn Không gian Kepler. Ảnh: NASA

"Do không có trạm tiếp tế nhiên liệu trong không gian sâu nên Kính thiên văn Không gian Kepler đang hết nhiên liệu", Charlie Sobeck, kỹ sư hệ thống của NASA, cho biết.

Kepler bắt đầu sứ mệnh của mình kể từ năm 2009. Nhiệm vụ chính của kính viễn vọng là quan sát các hệ thống hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời. Nó phát hiện hơn 5.000 ứng cử viên là ngoại hành tinh, trong số đó có 2.500 ngoại hành tinh đã được xác nhận.

Môi trường khắc nghiệt trong không gian với nhiều tia vũ trụ từng khiến Kính thiên văn Không gian Kepler gặp một số trục trặc kỹ thuật, chẳng hạn như việc bị vỡ bánh đà điều hướng thứ hai vào năm 2013. Nhưng các chuyên gia điều khiển đã nhanh chóng tìm ra cách giữ cân bằng cho Kepler bằng áp lực của dòng hạt năng lượng phát ra từ Mặt Trời. Nhờ đó, kính thiên văn có thể thực hiện thêm nhiều quan sát khác về siêu tân tinh, ngôi sao, tiểu hành tinh, và tất nhiên cả ngoại hành tinh.

Kể từ khi gặp sự cố vào năm 2013, Kính thiên văn Không gian Kepler sử dụng rất nhiều nhiên liệu và bây giờ nó đang hoạt động ở mức nhiên liệu thấp. Bởi vì Kepler nằm cách xa Trái Đất và các vệ tinh khác nên các nhà khoa học không có kế hoạch đặc biệt cho lời tạm biệt cuối cùng của nó.

Trong khi Kính thiên văn Không gian Kepler tiếp tục cung cấp thêm nhiều dữ liệu cho các nhà thiên văn trong thời kỳ chuẩn bị ngừng hoạt động, NASA dự kiến sẽ phóng Vệ tinh khảo sát sự đi qua của ngoại hành tinh đối với ngôi sao (Transiting Exoplanet Survey Satellite - TESS) tại Mũi Canaveral, Florida (Mỹ), vào ngày 16/4.

"TESS sẽ quét gần như toàn bộ bầu trời để tìm kiếm các hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời. Nó sẽ tập trung vào những ngôi sao sáng nhất cách chúng ta ít hơn 300 năm ánh sáng", Sobeck cho biết.