Kinh tế Thái Nguyên từng bước phục hồi và phát triển
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 158.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

Quý I/2022, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 5,09% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 5.715 tỷ đồng, bằng 31,8% dự toán cả năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 6,9 tỷ USD… Cùng với đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 158.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ngành công nghiệp chỉ đạt trên 17% kế hoạch năm. Song, với vai trò dẫn dắt của công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành Công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển đúng hướng. Các doanh nghiệp địa phương đã từng bước tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng của nhiều thương hiệu uy tín trong khu vực, góp phần gia tăng giá trị cho toàn ngành.

Ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy – Cơ khí Tân Lập, TP Thái Nguyên cho hay: "Trong lúc gặp khó khăn về xuất, nhập khẩu, chúng tôi phải nắm bắt nhanh nhạy, đầu tư kịp thời để đáp ứng được thị trường. Công việc đã ký hợp đồng hết năm nay và nửa của năm sau".

Kinh tế Thái Nguyên từng bước phục hồi và phát triển
Đối với lĩnh vực xuất khẩu, mặc dù, kết quả quý 1 chỉ đạt gần 22% kế hoạch năm và giảm 5,5% so với cùng kỳ.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, mặc dù, kết quả quý 1 chỉ đạt gần 22% kế hoạch năm và giảm 5,5% so với cùng kỳ. Song, thực tế đã ghi nhận sự đổi mới, nỗ lực khi các doanh nghiệp địa phương tận dụng tốt thời cơ phát triển, đưa giá trị xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, địa phương đạt gần 160 triệu USD, tăng 55,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh sự tăng trưởng 19% của may mặc - mặt hàng xuất khẩu chủ lực và truyền thống của địa phương, thì phải kể đến sự tăng trưởng của các sản phẩm công nghiệp nguồn gốc từ khoáng sản bởi các doanh nghiệp Thái Nguyên không chỉ chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất mà còn tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Tốt, Giám đốc Công ty TNHH Trung Thành cho biết: "Chúng tôi đã có lô hàng xuất khẩu trị giá trên 500.000 USD và hàng nhập khẩu trị giá gần 1.000 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt chỉ tiêu của năm 2022 vượt so với năm ngoái từ 10-15%".

Bên cạnh khu vực kinh tế Nhà nước, địa phương thì khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng phát triển mạnh khi Thái Nguyên tiếp tục là điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài trong quý 1. Mặc dù, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp song hơn 2 năm qua, dòng vốn FDI vẫn liên tiếp đổ về Thái Nguyên. Lũy kế đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 169 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 10 tỷ USD. So với cùng kỳ, tăng 5 dự án và tăng 12,8% về tổng số vốn đầu tư… Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm, với việc hỗ trợ Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý để doanh nghiệp được nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình, với số vốn điều chỉnh tăng thêm 920 triệu USD, tỉnh Thái Nguyên đã đứng vị trí thứ 2 khi nắm giữ gần 18,5% tổng vốn FDI của cả nước trong 2 tháng qua.

Ông Kim Sang Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao và rất cảm ơn sự hỗ trợ của tỉnh Thái Nguyên đối với công ty thời gian qua, đặc biệt là việc tỉnh hỗ trợ công ty sớm hoàn thành các thủ tục để được phê duyệt điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị phát triển sản xuất".

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, 9 tháng còn lại, tăng trưởng của tỉnh phải đạt tối thiểu 8,8%... Đây là nhiệm vụ không dễ dàng. Cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân… để tạo nên những đột phát mang tính quyết định với sự phát triển toàn diện và bền vững cho địa phương./.