Khủng hoảng khí đốt làm giảm nền nhiệt mùa đông châu Âu
Trạm nén khí Gazprom Slavyanskaya, điểm đầu của đường ống dẫn khí Nord Stream 2, ở Ust-Luga, Nga. Ảnh: Bloomberg

Nhằm cải thiện tình hình, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã đưa ra một số đề xuất nhằm hạ nhiệt giá dầu đang ở mức cao khi mùa đông sắp tới, đặc biệt là nhằm hỗ trợ những hộ gia đình thu nhập thấp. Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson ngày 14/10 nhấn mạnh, sự gia tăng của giá nhiên liệu đang là mối quan ngại của liên minh EU gồm 27 thành viên. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang trong tiến trình phục hồi sau đại dịch thì điều quan trọng là bảo vệ các đối tượng khách hàng dễ bị tổn thương và hỗ trợ cho các công ty châu Âu.

Cụ thể, các biện pháp mà phía EU đưa ra bao gồm, hỗ trợ thu nhập khẩn cấp cho các hộ gia đình để giúp họ thanh toán hóa đơn chi tiêu năng lượng, viện trợ nhà nước và giảm thuế có mục tiêu cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, các quốc gia thành viên cũng có thể yêu cầu hoãn thanh toán hóa đơn, thanh toán một phần hóa đơn và thực hiện các quy trình liên quan để đảm bảo rằng không ai bị ngắt kết nối với lưới điện. Kinh phí thực hiện hỗ trợ được lấy từ nguồn thu từ hệ thống giao dịch khí thải của EU.

Một đề xuất khác mà EU đưa ra đó là chính phủ các nước cần áp dụng những biện pháp giảm mức áp thuế hay thậm chí là hỗ trợ cho một số công ty hay một số ngành công nghiệp cụ thể.

Tuyên bố của EC cũng bày tỏ mong muốn đưa ra được những giải pháp dài hơi để có thể sẵn sàng ứng phó với các tình huống biến động giá năng lượng đột ngột, gồm cả việc tăng cường đầu tư cho các năng lượng tái tạo và cải thiện khả năng tích trữ nhiên liệu. Các quan chức EU cho biết khả năng lưu trữ của toàn khối hiện ở mức hơn 20% lượng khí đốt sử dụng hàng năm nhưng không phải tất cả các nước thành viên đều có kho chứa.

Cũng theo EC, các nước châu Âu hiện đang cân nhắc tới việc triển khai một chương trình dự trữ khí đốt chung theo như ý tưởng do Tây Ban Nha đề xuất. Hiện EU phụ thuộc phần lớn vào lượng khí đốt nhập khẩu, chủ yếu từ Nga.

Nguyên tắc triển khai chương trình này đã được Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng của EU Kadri Simson nêu rõ, đó là dựa trên sự tự nguyện và yếu tố cạnh tranh được bảo đảm.

Theo các quan chức cấp cao của EU, hiện có tới 20 nước thành viên trong khối đã hoặc đang có kế hoạch hành động nhằm cải thiện tình trạng căng thẳng về mặt tài chính để đáp ứng nhu cầu khí đốt. Một nghiên cứu vừa được công bố vào tháng trước cho thấy, gần 3 triệu công nhân EU không đủ tiền để sử dụng hệ thống sưởi tại nhà ngay cả trong mùa đông giá rét.

Trong những tháng gần đây, các nước gồm Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha đều chứng kiến sự gia tăng mạnh về chi phí năng lượng. Nhằm cải thiện tình hình, các nước trên đã áp dụng một số biện pháp như cắt giảm thuế năng lượng, giảm 7% thuế đối với các hoạt động sản xuất điện, giảm thuế năng lượng đối với người tiêu dùng từ 5,1% xuống 0,5%, đồng thời giảm thuế bán hàng đối với năng lượng gia dụng từ 21% xuống còn 10%.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Các chuyên gia EU dự đoán tình trạng tăng mạnh của giá nhiên liệu chỉ là tạm thời song lại kéo dài suốt mùa đông. Đây là điều trái ngược với mức giá năng lượng thấp kỷ lục ghi nhận vào năm ngoái.

Nguyên nhân của sự tăng mạnh giá nhiên liệu được chỉ ra là do nhu cầu tăng - bắt nguồn từ việc các nền kinh tế tái mở cửa sau COVID-19. Trong đầu tháng này, lượng khí đốt tự nhiên được giao dịch trên thị trường toàn cầu đã cao gấp 5 lần so với mức ghi nhận được vào đầu năm 2021.

Bên cạnh đó, việc châu Âu không còn nhiều khí đốt dự trữ sau mùa đông dài năm ngoái, các diễn biến thời tiết, trục trặc tại các nhà máy sản xuất khí đốt toàn thế giới và giao dịch đầu cơ trên thị trường EU cũng đóng vai trò không nhỏ.

Sự gia tăng mạnh mẽ của giá nhiên liệu được ghi nhận trong tháng 9/2021 cũng được xem là hậu quả xuất phát từ mức lạm phát thường niên của 19 nước sử dụng đồng ơ-rô đang cao nhất trong vòng 1 thập kỷ.

Các nhà hoạch định chính sách EU cho rằng, tình trạng giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay sẽ khiến khối này đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Khi khí đốt tự nhiên là nhiên liệu chính để sản xuất điện, thì sự tăng giá của khí đốt đương nhiên sẽ dẫn tới hóa đơn tiền điện cao hơn.

“Sự nóng lên” của cuộc khủng hoảng nhiên liệu đã thổi bùng những tranh cãi xoay quanh việc liệu EU có nên thúc đẩy các dự án năng lượng hạt nhân, vốn được coi là giải pháp là giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng truyền thống. Để có kinh phí thực hiện mục tiêu này, EU sẽ phải sử dụng đến hàng tỷ ơ-rô như một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu và quỹ phục hồi sau đại dịch.

Khủng hoảng khí đốt làm giảm nền nhiệt mùa đông châu Âu
EC hối thúc các nước thành viên đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh bền vững. Ảnh: CNN.

Về phía Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng của EU Kadri Simson ngày 14/10 nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại châu Âu được coi là hồi chuông cảnh tỉnh rõ ràng nhất về những mối nguy khó lường khi các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhiên liệu hoá thạch. Chính phủ các nước phải nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này, đồng thời khẳng định “sẽ không bao giờ là quá muộn khi chuyển dịch và đẩy nhanh quá trình chuyển xanh năng lượng”.

Đầu tuần này, các Bộ trưởng đến từ 10 nước châu Âu đã ra tuyên bố chung khẳng định sự an toàn của nhiên liệu hạt nhân và coi năng lượng hạt nhân chính là chìa khóa để tháo gỡ cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.

Dự kiến vào tuần tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về mức giá nhiên liệu./.