Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương ở xóm Ao Sen, Xã Động Đạt, Phú Lương được thành lập vào tháng 3/2020 với 8 thành viên. Các thành viên đều nuôi chim bồ câu Pháp. Trong đó, mô hình lớn nhất là của gia đình anh Hoàng Anh Tuấn với trên 2.000 đôi chim bồ câu, anh Tuấn cũng là người khởi sự thành lập và giữ cương vị Giám đốc Hợp tác xã.

Khởi nghiệp từ mô hình hợp tác xã
Anh Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương bộc bạch: “Lúc đầu, ở nhà chỉ nuôi 1 vài con chim để cải thiện bữa ăn hằng ngày thôi. Sau nhận thấy con chim bồ câu sinh sản và phát triển tốt nên tôi nhận thấy nuôi chim bồ câu dễ, giá trị lại cao, tôi tự học hỏi mày mò nhân rộng”.

Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã xuất bán từ 6000-7000 con chim bồ câu, với giá bán trung bình từ 60 đến 65.000/con. Tin tưởng về định hướng trong sản xuất, kinh doanh và triển vọng phát triển của Hợp tác xã, anh Tuấn nhận bao tiêu sản phẩm cho các xã viên và hiện việc tiêu thụ chim bồ câu rất thuận lợi, mang lại giá trị kinh tế khá cao cho các thành viên. Đồng thời, Hợp tác xã cũng kiên trì sản xuất sạch để được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, qua đó xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị và chủ động hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Anh Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương chia sẻ thêm: "Mình rất mong muốn được hệ thống cửa hàng, siêu thị tiêu thụ sản phẩm để ổn định về giá, các tổ chức, đơn vị hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm cho Hợp tác xã. Qua đó để anh em có thêm niềm tin để mở rộng chăn nuôi".

Ông Ma Tiến Kốp, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Lương nhận xét: “Qua đánh giá 6 tháng thấy mô hình chăn nuôi của hợp tác xã thì thấy khi được tiếp cận nguồn vốn thì đơn vị đã mở rộng phát triển sản xuất, thứ 2 là chế biến sâu và đa dạng sản phẩm có chất lượng để đưa ra thị trường và được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn”.

Theo Liên minh hợp tác xã tỉnh, trong số các hợp tác xã mới thành lập vài năm gần đây, tỷ lệ đơn vị có người đứng đầu và thành viên trong ban lãnh đạo dưới 40 tuổi chiếm phần lớn. Đó là tín hiệu rất tích cực đối với phong trào phát triển kinh tế hợp tác, với việc thu hút, giữ chân lực lượng lao động trẻ, lao động có trình độ tại khu vực nông thôn, miền núi./.