Khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng đã làm ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ ván bóc, ván dăm của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh. |
Từ một hộ sản xuất nông nghiệp là chính, nhận thấy tiềm năng kinh tế rừng ở địa phương ngày càng phát triển, anh Phạm Văn Ngân, xóm Làng Bò, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương đã mạnh dạn vay vốn mở xưởng thu mua, chế biến gỗ ván bóc. Sản phẩm gỗ bóc của gia đình được sản xuất ra chủ yếu bán cho các thương lái. Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất bị hạn chế, sản phẩm gỗ ván bóc xuất ra thị trường chỉ đạt được khoảng 50%, dẫn tới việc gỗ đọng, việc sản xuất của gia đình cũng bị ngưng trệ. Anh Phạm Văn Ngân chia sẻ: "Do dịch COVID-19, hàng hóa làm ra khó bán, giá đầu vào cao, đầu ra thấp".
Cơ sở sản xuất gỗ dăm của gia đình anh Nguyễn Tuấn Quyền, xóm Đồng Nghè, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, mấy ngày qua mới tái khởi động sản xuất trở lại. Thế nhưng, tình hình sản xuất của cơ sở cũng không mấy khả quan, bởi số dăm đợt này dù có bán cũng chỉ là bán chịu, giá giảm so với trong năm, phần gỗ để sản xuất cũng chỉ còn vài hôm. Anh Nguyễn Tuấn Quyền cho hay: "Lượng sản xuất giảm đi từ 40-50% về khối lượng, giá cả ảnh hưởng nhiều từ đầu năm 2020 đến nay".
Một thực trạng đáng báo động hiện nay là việc khai thác gỗ tròn chưa đủ tuổi để sản xuất ván bóc và băm dăm gỗ đang ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm gỗ. |
Một thực trạng đáng báo động hiện nay là việc khai thác gỗ tròn chưa đủ tuổi để sản xuất ván bóc và băm dăm gỗ đang ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm gỗ. Bà Phó Thị Lý, xóm Đồng Ẻng, xã Tràng xá, huyện Võ Nhai cho biết: "Nguồn xuất ra, nhập vào gỗ không đủ chất lượng, nên làm không có lãi suất".
Mặc dù, Thái Nguyên chiếm ưu thế trong sản xuất rừng trồng, nhưng ngành chế biến phát triển chưa tương xứng. Mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới trên 4.000 ha gỗ rừng trồng, lượng gỗ khai thác hằng năm, trong đó chủ yếu là từ rừng sản xuất khoảng 200.000m³. Tỉnh Thái Nguyên có gần 700 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, nhưng phần lớn các cở sở sản xuất này chủ yếu sơ chế gỗ như: dăm gỗ, ván bóc, thị trường gần như hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái xuất khẩu. Do đó, với hoạt động sản xuất ván bóc, gỗ dăm và tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng như hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đang có những giải pháp định hướng nhằm đảm bảo các yếu tố sản xuất.
Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên thông tin: "Việc chế biến, thương mại lâm sản cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, để tạo nguồn nguyên liệu, nâng cao giá trị nguyên liệu. Muốn nâng cao giá trị nguyên liệu, chúng tôi định hướng phát triển kinh doanh rừng sẽ khuyến khích đầu tư trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị, đảm bảo sinh kế cho người dân mang tính chất ổn định, lâu dài".
Có thể thấy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như việc chế biến chưa chuyên sâu đã ảnh hưởng đến việc sản xuất gỗ ván bóc, ván dăm. Trước tình hình này, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn thì các cơ sở sản xuất cũng cần chủ động liên kết, đầu tư để chế biến chuyên sâu./.