Khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 10
Khó khăn lớn nhất đối với Trường THPT Ngô Quyền là không thể sắp xếp được giáo viên giảng dạy ở các môn học tự chọn như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tiếng dân tộc, Ngoại ngữ 2…

Năm học 2022-2023, Trường THPT Ngô Quyền dự kiến tuyển sinh 450 học sinh vào lớp 10. Điểm mới trong chương trình dạy và học của năm học tới là ngoài các môn học bắt buộc thì học sinh được quyền chọn một trong những môn trong tổ hợp tự chọn như: Địa lý, Vật lý, Âm nhạc, Mỹ thuật… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với trường là không thể sắp xếp được giáo viên giảng dạy ở các môn học tự chọn như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tiếng dân tộc, Ngoại ngữ 2…

Thầy giáo Phan Vũ Hào, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Các em học sinh sẽ đăng ký rất nhiều ở môn Âm nhạc và Mĩ thuật, bởi vì học 2 môn này rất thoải mái về tâm lý. Tuy nhiên, về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường trong những năm tới chưa thể đáp ứng nhu cầu về việc giảng dạy các bộ môn nghệ thuật, các bộ môn nhạc họa ở trong nhà trường".

Khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 10
Không chỉ ở khu vực vùng sâu, vùng xa, tại các trường trung tâm thành phố, cơ sở vật chất và trang thiết bị, phương tiện dạy học còn thiếu.

Không chỉ ở khu vực vùng sâu, vùng xa, tại các trường trung tâm thành phố, cơ sở vật chất và trang thiết bị, phương tiện dạy học còn thiếu. Bên cạnh đó, việc bố trí giáo viên giảng dạy các môn học lựa chọn còn nhiều bất cập.

Thầy giáo Ngô Văn Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Sơn, TP Phổ Yên cho hay: "Đối với các trường THPT trên địa bàn nói chung và Trường THPT Bắc Sơn nói riêng không có giáo viên giảng dạy 2 môn Mĩ thuật, Âm nhạc. Do đó, trong năm học tới, về các môn tự chọn đối với học sinh, nhà trường không có các môn đó. Nhà trường cũng đã thông báo để học sinh có nhu cầu có thể đăng ký học ở những trường có tổ hợp đó".

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Huỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Sông Công, TP Sông Công cho biết: "Chúng tôi đã căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, căn cứ vào lựa chọn của học sinh để phân công cán bộ, giáo viên làm sao cho phù hợp để tránh việc nhiều học sinh chọn 1 môn dẫn tới việc thừa, thiếu giáo viên trong nhà trường".

Để khắc phục những khó khăn này, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên đã chỉ đạo các trường xây dựng lộ trình và kế hoạch giảng dạy cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn.

Ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên thông tin: "Sở đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên lớp 10 dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học tới; yêu cầu các nhà trường xây dựng các tổ hợp bộ môn trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ của nhà trường và thông báo công khai trong phương án tuyển sinh của nhà trường; đồng thời, tuyên truyền tới học sinh và cha mẹ học sinh để các em học sinh biết được và đăng ký tổ hợp môn học cho phù hợp".

Việc thực hiện các mục tiêu đổi mới giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ góp phần tạo sự chuyển đổi toàn diện từ định hướng và cách tiếp cận. Vì vậy, các địa phương và ngành Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp trong việc đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để thực hiện tốt các mục tiêu, đúng lộ trình của chương trình./.