Nhìn lại thực tế các vụ án được đưa ra xét xử thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng gây thất thoát hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng nhưng rất ít đối tượng bị truy cứu, xét xử về hành vi tham nhũng hoặc hành vi chiếm đoạt tài sản, mà chủ yếu là tội cố ý làm trái, lừa đảo, vi phạm các quy định cho vay,…

kho chung minh yeu to vu loi de xu toi tham nhung

Theo quy định của luật, yếu tố vụ lợi không phải yếu tố quyết định xử lí hành vi về tội tham nhũng. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân được các cơ quan chức năng chỉ ra là do quy định của pháp luật thiếu chặt chẽ, do vậy rất khó chứng minh được đối tượng phạm tội vì động cơ tư lợi. Hay nói một cách khác là rất khó để chứng minh, tách bạch rõ ràng hành vi tham nhũng với hành vi vi phạm các quy định về quản lý kinh tế.

TS.Luật sư Nguyễn An (Hãng luật Cộng Đồng, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trước hết, để xem xét xử lý hình sự một hành vi về các tội tham nhũng cần xem xét hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội tham nhũng hay không.

Luật Phòng chống tham nhũng 2005 quy định, một hành vi bị coi là tham nhũng khi hành vi đó mang tính vụ lợi. Theo Bộ luật Hình sự, trong 7 tội về tham nhũng, yếu tố vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm đối với 3 tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác. Đối với 4 tội còn lại (Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Lạm quyền trong khi thi hành công vụ), không cần có yếu tố vụ lợi vẫn có thể xử lý hình sự nếu đáp ứng đủ các dấu hiệu về mặt hành vi.

Như vậy, yếu tố vụ lợi được coi là yếu tố quan trọng để xem xét một hành vi có phải là hành vi tham nhũng hay không, là cơ sở để xử lý kỉ luật đối với người làm sai. Còn trong việc xử lý trách nhiệm hình sự, nó không phải là yếu tố quyết định xử lí hành vi về tội tham nhũng.

Nói như vậy không có nghĩa yếu tố vụ lợi bị xem nhẹ, trên thực tế rất khó có thể chứng minh yếu tố vụ lợi, nó gây khó khăn trong việc xem xét xử lý các tội có dấu hiệu hành vi tương tự nhau, dẫn tới khó khăn trong việc xử lí hành vi tham nhũng. Bởi khi không chứng minh được yếu tố vụ lợi, không chứng minh được hành vi tham nhũng thì việc chuyển tội danh là việc đương nhiên. Việc chuyển tội danh kéo theo đó là mức hình phạt có thể khác nhau (đa phần nhẹ hơn). Như vậy không có tính răn đe, khó giảm thiểu được nạn tham nhũng hiện nay.

Luật sư Nguyễn An cho rằng cần phải sửa đổi quy định pháp luật về tham nhũng bằng việc quy định rộng hơn hành vi được coi là tham nhũng, quy định rõ thế nào là vụ lợi, xem xét các hành vi nào nêu quy định yếu tố vụ lợi, hành vi nào không cần yếu tố vụ lợi vẫn bị coi là hành vi tham nhũng.

Bên cạnh đó, cần phát huy quan điểm chống tham nhũng triệt để mối quan hệ. Từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI, vấn đề “lợi ích nhóm” đã được nhắc đến. Đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng đã chỉ rõ các lĩnh vực cần quan tâm để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, “sân sau”, trong đó có lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công.

Thuật ngữ "lợi ích nhóm" thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, đó là sự liên kết giữa một số cán bộ có chức, có quyền ban hành hoặc thực thi các chính sách của Nhà nước với một số đối tượng được hưởng lợi bằng nhiều con đường khác nhau từ các chính sách đó. Chính vì vậy, "lợi ích nhóm" thường gắn với "sân sau" là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có các mối quan hệ với khả năng tác động đến việc ban hành, thực thi chính sách của Nhà nước để trục lợi.

Thực tế, “tham nhũng chính sách” rất khó để có bằng chứng. Nhưng nếu chứng minh doanh nghiệp có quan hệ với chính khách làm lợi bất chính, hoặc cán bộ tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp thì phải công khai giải trình vơi báo chí, người dân.

Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi nếu chỉ chú trọng đến phòng ngừa mà không trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng thì không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không hạn chế được tham nhũng mà trái lại còn làm cho tệ tham nhũng gia tăng mạnh mẽ hơn.

Ngược lại, nếu chỉ chú trọng đến trừng trị, xử lý mà không làm tốt phòng ngừa thì mới chỉ giải quyết được phần “ngọn”, không thể loại trừ tận gốc được tham nhũng./.