Khảo sát việc triển khai và kết quả thực hiện chính sách dân tộc
Tổ công tác của HĐND tỉnh làm việc với Ban Dân tộc

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tính riêng nguồn vốn chương trình 135 trong giai đoạn 2016-2020 là gần 520 tỷ đồng, qua đó đã xây dựng trên 480 dự án hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng gần 70 mô hình giảm nghèo; đầu tư xây dựng trên 600 công trình hạ tầng nông thôn... Tuy nhiên, qua triển khai cho thấy hệ thống chính sách còn tản mạn, chưa đồng bộ, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan còn chưa chặt chẽ; để triển khai chưa kịp thời, còn thiếu so với nhu cầu thực tế...

Còn theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và phát triển 6 trường phổ thông dân tộc nội trú; đầu tư mua sắm, sửa chữa 10 trường phổ thông dân tộc bán trú, với tổng kinh phí trên 220 tỷ đồng. Thực hiện Đề án kiên cố hoá trường lớp học, Thái Nguyên đã đầu tư về cơ sở vật chất cho giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số được trên 260 phòng học với tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã chi trả trên 13 tỷ đồng cho công tác cử tuyển và gần 90 tỷ đồng hỗ trợ đối với học sinh dân tộc thiểu số và dân tộc thiểu số rất ít người… Tuy nhiên, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển để nâng cao chất lượng giáo dục; chưa triển khai được chương trình dạy tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số S; chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số còn thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh…

Trên cơ sở làm rõ kết quả, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách dân tộc và quá trình trao đổi, làm rõ của các sở, ban, ngành, các tổ khảo sát sẽ tổng hợp các nội dung liên quan, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, làm căn cứ để phục vụ phiên giải trình tới đây.