Khánh thành và bàn giao Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Cắt băng khánh thành Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng |
Cách đây 75 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn khó khăn ác liệt, nhưng lại chính là thời kỳ hoàn thiện của chính phủ kháng chiến, trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã ra đời ngay giữa nơi núi rừng ATK Việt Bắc. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí cách mạng Việt Nam và là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây đã đào tạo ra những nhà tư tưởng, quản lý, văn nghệ sỹ, nhà báo tên tuổi trên mặt trận tư tưởng, báo chí, văn hóa văn nghệ. Dấu mốc lịch sử sự ra đời của trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vẫn luôn là niềm tự hào và là lời nhắc nhớ các thế hệ những người làm báo ghi nhớ và trân trọng những thành tựu của các thế hệ nhà báo đi trước .
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ: "... Thời gian dần trôi theo dòng chảy của lịch sử, hầu hết các giảng viên học viên của trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã về cõi vĩnh hằng. Dù muộn nhưng chúng ta vẫn đang nỗ lực tôn vinh và khắc ghi về một thế hệ nhà báo kháng chiến Tiên Phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu tất cả để chiến thắng, góp sức làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của Báo chí cách mạng nước ta. Với mong muốn tiếp tục bảo tồn phát huy giá trị tầm vóc lịch sử của di tích, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập trường và hướng đến 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Hôm nay tất cả chúng ta vui mừng hiện diện ở đây cùng nhau chứng kiến giờ phút công trình được đi vào sử dụng với mong muốn phục vụ rộng rãi công chúng và nhân dân cả nước".
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu |
Sau hơn 6 tháng tu bổ, tôn tạo, di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành với 3 hạng mục: Nhà Tổng bộ Việt Minh phỏng dựng, xây mới theo kiến trúc nhà sàn truyền thống; Nhà dạy học làm báo 2 tầng, được xây mới trên cơ sở thiết kế theo hình ảnh tư liệu và các hạng mục khác (nhà bia, tường rào, cổng, nhà bảo vệ…) được xây dựng trên diện tích 859m2, với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Bà Đỗ Thị Hồng Lạng, con gái cố Nhà báo Đỗ Đức Dục, Giám đốc Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (1949) xúc động: "Quá tuyệt vời... ngoài sức tưởng tượng, từ một ngôi nhà tranh tre nứa lá ở xóm Bờ Rạ, nay trở thành một khu trưng bày... Chắc là các cụ rất hài lòng với những đóng góp của hậu thế cho sự nghiệp báo chí nói chung và Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nói riêng".
Ông Nguyễn Văn Thành, con trai cố Nhà báo Như Phong, Ủy viên Ban Giám đốc Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (1949) chia sẻ: "Chúng tôi rất xúc động sau hơn 70 năm thấy có một nơi để làm lễ di tích và nhà tưởng niệm rất là đẹp và ở một vùng đất thật là thơ mộng... đúng với tinh thần của các nhà báo, nhà văn để giáo dục thế hệ sau này, làm sao sống xứng đáng với cha anh mình".
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp giữa Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên trong quá trình thực hiện công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Công trình được khánh thành thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng thời tôn vinh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh cao cả và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu |
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi lễ: "Tôi đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên sau khi nhận bàn giao di tích sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nhà báo Việt Nam triển khai những hoạt động hữu ích, khai thác, sử dụng thật hiệu quả công năng của những hạng mục đã được tu bổ, tôn tạo để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của di đích quốc gia có tầm vóc ý nghĩa và thiêng liêng, là nơi kết nối lịch hiện tại và tương lai của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch về nguồn của nhân dân. Tôi cũng mong rằng sau sự kiện có tính chất mở đầu chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm ra đời và phát triển của Báo chí cách mạng Việt Nam này, các cấp, các ngành ở Trung ương và tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch thiết thực để cùng tôn vinh xứng đáng truyền thống vẻ vang những thành tựu, đóng góp to lớn của báo chí trong suốt chiều dài sự nghiệp cách mạng, để cổ vũ, động viên và tri ân những người làm báo tiêu biểu, các cơ quán báo chí có thành tích xuất sắc, bồi dưỡng niềm tự hào về sứ mệnh nghề nghiệp, lòng yêu nghề đối với những người làm báo hôm nay, góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo tinh thần ngh quyết Đại hội XIII của Đảng".
Tại buổi lễ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đã trao biển tài trợ công trình, UBND tỉnh Thái Nguyên tặng bằng khen cho 2 tập thể, Hội Nhà báo Việt Nam khen thưởng cho một số tập thể, nhóm tác giả, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Nhân dịp này, Báo Nhà báo và Công luận đã trao 20 xuất quà, mỗi xuất gồm 1 chiếc cặp sách và 1 triệu đồng dành tặng các em học sinh nghèo, học giỏi của huyện Đại Từ.
Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là nơi lưu giữ và giới thiệu những giá trị của báo chí cách mạng tại Việt Bắc, phục vụ nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách. Việc khánh thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử to lớn, bổ sung thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam đương đại, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người làm báo cả nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ cũng như du lịch lịch sử của Thái Nguyên./.