Khắc phục khó khăn trong dạy học trực tuyến
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời mà nhiều khó khăn trong việc triển khai hình thức dạy và học trực tuyến đã được tháo gỡ

Trong căn nhà cấp 4 tạm bợ với ánh sáng tù mù, em Trịnh Hoàng Anh, Trường tiểu học Túc Duyên đang tham gia buổi học trực tuyến. Gia đình đặc biệt khó khăn, neo người, bố không có nghề nghiệp ổn định lại đau yếu liên miên, việc học của em gặp nhiều khó khăn. Qua chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, được sự hỗ trợ của nhà trường, Hoàng Anh có thiết bị để học trực tuyến trong đợt dịch này.

Em Trịnh Hoàng Anh, lớp 3E, trường Tiểu học Túc Duyên, TP Thái Nguyên cho biết: “Đợt trước phải học trực tuyến thì em phải qua nhà bạn học nhờ. Giờ nhà trường phát cho điện thoại rồi thì bố em hỗ trợ em học trực tuyến ở nhà”.

Với sự hưởng ứng tích cực của các thầy giáo, cô giáo và các bậc phụ huynh trong chương trình “Sóng và Máy tính cho em” mà đợt dịch này, nhiều học sinh nghèo đã không bị bỏ lại phía sau, các nhà trường tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu giáo dục, đào tạo ứng phó với dịch COVID-19.

Bà Phạm Quỳnh Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Túc Duyên, TP Thái Nguyên thông tin: “Nhà trường đã trao tặng 7 điện thoại cho các em học sinh thuộc diện hộ nghèo trong trường. Khi phải nghỉ học và tổ chức học trực tuyến nhà trường cũng yên tâm vì 100% các em đã đủ thiết bị để học”.

Mặc dù hình thức học trực tuyến gần như phổ biến với các nhà trường trong hai năm học gần đây, tuy nhiên, đối với những học sinh ở cấp tiểu học, đặc biệt là lớp 1 và lớp 2, việc dạy và học trực tuyến vẫn còn những bất cập. Chính vì vậy, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô đang nỗ lực, khắc phục những khó khăn này.

Bà Phạm Quỳnh Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Túc Duyên, TP Thái Nguyên cho biết thêm: “Đối với các em học sinh lớp bé thì từ đầu năm học chúng tôi đã hướng dẫn các bé học làm quen với tập viết chữ với học sinh lớp 1, làm quen với chương trình sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 2. Vì vậy, cô và trò đã hiểu nhau hơn về cách học và cách giảng bài”.

Giáo viên Phạm Thanh Lệ Thi, Trường tiểu học Nguyễn Huệ, TP Thái Nguyên cho biết:“Đối với giáo viên, bản thân tôi tìm thêm nguồn tư liệu, kiến thức mới, hệ thống câu hỏi bài tập dưới dạng trò chơi để các con hứng thú hơn đối với việc học”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc triển khai hình thức dạy và học trực tuyến, nhưng ngành giáo dục và đào tạo đã và đang chủ động, đồng lòng, chung sức, phối hợp chặt chẽ cùng với phụ huynh, học sinh khắc phục để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học, gắn với công tác phòng, chống dịch hiệu quả.