Internet và cơ hội chuyển đổi số ở Thái Nguyên
Chuyển mạnh từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online đang là xu hướng tất yếu của nhiều cửa hàng thời trang

Chuyển mạnh từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online đang là xu hướng tất yếu của nhiều cửa hàng thời trang… Internet đã mang lại nhiều cơ hội cho các tiểu thương gia tăng doanh thu với chi phí thấp. Chị Nguyễn Thị Minh Thùy, chủ một cửa hàng thời trang ở phường Quang Trung, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Khách hàng của chúng tôi ở trên mọi miền Tổ quốc chứ không giới hạn ở trong tỉnh Thái Nguyên hoặc lân cận cửa hàng. Tôi thấy hiện nay việc bán hàng online thực sự đem lại hiệu quả rất lớn

Theo thống kê của ngành chức năng, tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 1,1 triệu thuê bao điện thoại di động, đạt xấp xỉ 100 thuê bao/100 dân và có gần 900.000 thuê bao sử dụng dịch vụ Internet. Toàn tỉnh có 11 đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính với 225 điểm phục vụ, 1.600 điểm thu phát sóng điện thoại di động, mạng lưới cáp quang được kéo đến 100% số xã, thị trấn trong tỉnh. Hạ tầng công nghệ thông tin được trang bị khá đầy đủ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến mức 3 và mức 4 đạt gần 30%...

Internet và cơ hội chuyển đổi số ở Thái Nguyên
Tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã ký kết hợp tác chiến lược về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025

Với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông với tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2021; triển khai thí điểm xã thông minh tại 2 xã: Sảng Mộc (huyện Võ Nhai) và La Bằng (huyện Đại Từ). Tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel cũng đã ký kết hợp tác chiến lược về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Đối với tỉnh Thái Nguyên nhiệm vụ chuyển đổi số được đặt ra là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, chúng tôi sẽ tham mưu với tỉnh sớm ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình chuyển đổi số: đầu tiên là phát triển về hạ tầng viễn thông, phải đảm bảo được hạ tầng viễn thông sẽ góp phần chuyển đổi số thành công".

TS Nguyễn Văn Tảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên thông tin: "Đối với trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, chúng tôi cũng thấy đây là cơ hội đối với nhà trường, đội ngũ cán bộ, giảng viên có thể tham gia vào quá trình này từ tập huấn, đào tạo, tư vấn, tham gia vào thực hiện các module cho tỉnh và tiến tới là trong khu vực. Đối với người học, khi tốt nghiệp ra hoặc trong quá trình học đã có thể tham gia những hoạt động thực tế trong chuyển đổi số".

Về định hướng chuyển đổi số đến năm 2030, Thái Nguyên phấn đấu 85% tỷ lệ dân số có kỹ năng số cơ bản; chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước; thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 80%... Xứng tầm là trung tâm chuyển đổi số của cả khu vực Trung du miền núi phía Bắc./.