Hội nhập và khởi nghiệp - đặc điểm nhận diện sinh viên thời 4.0
Hội nghị kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp- một trong nhiều hoạt động được trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tích cực tổ chức

Với mong muốn thúc đẩy thực chất phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên là trường đầu tiên và duy nhất tính tới thời điểm hiện tại trong Đại học Thái Nguyên và các trường đại học miền núi phía Bắc thành lập Trung tâm ươm tạo Công nghệ và Hỗ trợ Khởi nghiệp. Kể từ khi hình thành vào năm 2017, Trung tâm đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện, hoạt động đào tạo và ươm tạo các nhóm khởi nghiệp, trở thành một trong những điểm sáng về hỗ trợ khởi nghiệp trong tỉnh Thái Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc.

PGS, TS Nguyễn Hưng Quang, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên cho biết: “Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên xác định là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động khởi nghiệp của Đại học Thái Nguyên. Trung tâm ươm tạo Công nghệ và Hỗ trợ Khởi nghiệp giúp hoạt động khởi nghiệp của nhà trường. Hằng năm ngoài phát động khởi nghiệp thì trường cũng dành 1 khoản kinh phí hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp”.

Trung tâm đã tổ chức thành công 10 khóa đào tạo về kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên, giảng viên và cán bộ trong trường với rất nhiều các chủ đề khác nhau: tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, kỹ năng pitching, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, mô hình Kinh doanh Canvas, sử dụng công cụ số trong kinh doanh. Các khóa học đều nhận được sự tham gia nhiệt tình và đánh giá cao về chất lượng từ những người tham gia. Qua những sự kiện này, Trung tâm đã thiết lập mối quan hệ và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan và tổ chức khác nhau, để cùng cố vấn và hỗ trợ sinh viên trong quá trình khởi nghiệp.

PGS, TS Đàm Xuân Vận, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Hỗ trợ Khởi nghiệp, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thông tin: “Hàng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp cho cán bộ và sinh viên nhà trường. Chúng tôi tổ chức các cuộc thi trong đoàn trường để các bạn trẻ có tinh thần khởi nghiệp. Từ giải thưởng các bạn có thể mang mô hình đi dự thi ở các giải Quốc gia. Sau mỗi cuộc thi chúng tôi đều có hỗ trợ tổ chức thực hiện dự án, thương mại hóa sản phẩm”.

Ngoài các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối các ý tưởng, dự án khởi nghiệp với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm thương mại hóa ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, nhiều năm qua, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên còn đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế với các trường Đại học trên thế giới. Các chương trình giao lưu quốc tế, thực tập nghề đã mang đến cho sinh viên cơ hội cùng học tập, thực hiện đồ án, trao đổi ý tưởng khởi nghiệp với sinh viên các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. Qua đó, sinh viên không chỉ trau dồi tiếng Anh mà còn có thể học hỏi phương pháp học tập, tác phong làm việc, kinh nghiệm khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao, từ đó hình thành tư duy hội nhập, góp phần vào thành công chung trong quá trình khởi nghiệp của mình.

Em Trần Thị Thu Hường, sinh viên Chương trình Tiên tiến- Trường Đại học Nông lâm- Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Sự giúp đỡ của nhà trường đối với sinh viên, giúp sinh viên có định hướng tốt trong khởi nghiệp”.

Em Bùi Thị Kim Loan, sinh viên k50 Khoa Công nghệ Sinh học- Công nghệ thực phẩm- Trường Đại học Nông lâm- Đại học Thái Nguyên cho rằng: “Sắp tới, tôi có chương trình sang Nhật Bản thực tập sinh. Qua đó, tôi móng muốn học tập được kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức. Đây sẽ là vốn quý để tôi tiếp tục phát triển bản thân trong tương lai”.

Hội nhập và khởi nghiệp - đặc điểm nhận diện sinh viên thời 4.0
Nhà trường chú trọng hoạt động đưa sinh viên đi thực tập nghề ở các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới

PGS, TS Nguyễn Hưng Quang, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên cho biết thêm: “Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên luôn đi đầu trong việc đưa sinh viên đi thực tập trong doanh nghiệp để cập nhật tình hình sản xuất mới. Trong thời gian vừa qua, nhà trường còn phát triển hoạt động đưa sinh viên đi thực tập nghề ở các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới. Đây là cơ hội để các em tiếp thu và có tầm nhìn về nền nông nghiệp công nghệ cao tại các nước tiên tiến. Từ kiến thức tiếp thu được trong lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghệ thực phẩm, trên cơ sở kiến thức chuyên môn đã được học 5 năm tại trường các em hoàn toàn có thể hiện thực hóa các ý tưởng để khởi nghiệp tại địa phương của mình”.

Bên cạnh đó, Nhà trường đã đưa môn học khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vào trong chương trình đào tạo chính thức của Nhà trường, đã triển khai thực hiện tại Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Khoa quản lý tài nguyên, Chương trình tiên tiến và sắp tới sẽ áp dụng đại trà tại các khoa khác trong nhà trường.

Có thể thấy, những hoạt động và những thành tích bước đầu trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp trong sinh viên của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã thể hiện năng lực, sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo Nhà trường trong việc thúc đẩy tinh thần doanh nhân, đam mê khởi nghiệp và tăng cường năng lực cho các nhóm khởi nghiệp trong trường; tạo tiền đề quan trọng cho sự thành công trong quá trình khởi nghiệp của sinh viên thời hội nhập.