Hội nghị trực tuyến khối công thương toàn quốc
Thái Nguyên là một trong số những địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương 1,42%. Hoạt động sản xuất công nghiệp tuy tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước tăng 18,8%, kim ngạch nhập khẩu tăng 30,5% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch áp dụng mô hình “3 tại chỗ”; tình hình hàng hoá trên thị trường được bình ổn. Các hoạt động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 đã được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, do tác động của dịch nên trong 9 tháng, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng khiến chỉ số sản xuất công nghiệp giảm.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, những kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 610 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt trên 21,3 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 30 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ… Những kết quả này đã đưa Thái Nguyên là một trong số những địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2020. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Để đạt được những kết quả này, lãnh đạo tỉnh luôn quán triệt nguyên tắc: “Công việc càng khó, càng phức tạp thì càng phải công khai, minh bạch và tập trung nguồn lực, quyết tâm thực hiện”. Đồng thời, quán triệt quan điểm “Chủ trương đúng - Đồng thuận cao - Hành động quyết liệt” thì mọi việc sẽ đạt được kết quả khả quan nhất. Tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong việc duy trì ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Đồng chí cũng đề xuất với Bộ Công thương có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm có kế hoạch xây dựng các trạm 220kV, 110kV trên địa bàn được vận hành vào năm 2022-2023 để đáp ứng việc ổn định cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong những tháng cuốn năm 2021 và năm 2022, ngành công thương cả nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh: đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tiêu dùng, trong đó chú trọng thị trường trong nước để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu./.