Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí ký kết Biên bản Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí ký kết Biên bản Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 19/2, Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ 7 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc đã diễn ra tại Hà Nội.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, cùng ông Triệu Khắc Chí, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đồng chủ trì Hội nghị.

Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, nhằm tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân hai nước.

Đồng thời, Hội nghị là dịp để Bộ Công an hai nước đánh giá kết quả triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa hai bộ từ Hội nghị lần thứ 6 tại Bắc Kinh, Trung Quốc (tháng 10/2018) đến nay, đề ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác đến năm 2022.

Trước khi diễn ra hội nghị, sáng cùng ngày, Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức lễ đón chính thức Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Trung Quốc do ông Triệu Khắc Chí, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, làm Trưởng đoàn, sang thăm chính thức Việt Nam.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam chủ trì lễ đón.

Trong hơn hai năm qua, trên cơ sở quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, quan hệ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc tiếp tục phát triển và tăng cường, củng cố về nhiều mặt như trao đổi Đoàn các cấp, trao đổi thông tin nghiệp vụ; đào tạo cán bộ; tích cực phối hợp có hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế.

Hai bên phối hợp truy bắt đối tượng truy nã; quản lý xuất, nhập cảnh, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở mỗi nước, nhất là khu vực biên giới giữa hai nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển và cung cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Cụ thể, lực lượng chức năng hai nước đã phối hợp đấu tranh có hiệu quả các chuyên án ma túy ngay từ khu vực biên giới, cửa khẩu.

Từ năm 2018 đến nay, hai bên đã phối hợp mở 4 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy, đặc biệt là phối hợp đấu tranh chuyên án sản xuất ma túy xuyên quốc gia, đồng thời hoàn thiện cơ chế phối hợp điều tra chung các vụ án ma túy.

Đặc biệt, trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, Bộ Công an Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Công an Trung Quốc xác minh nhiều vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao (đối với các đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc) hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; bắt giữ, bàn giao các đối tượng cho Bộ Công an Trung Quốc xử lý.

Các lực lượng chức năng của hai bộ đã phối hợp xác minh các vụ việc mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc, giải cứu nạn nhân Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc.

Từ 2018 đến nay, công tác phối hợp bắt và bàn giao các đối tượng truy nã được hai bộ phối hợp và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tại Hội nghị lần thứ 7 này, Bộ trưởng Công an hai nước đã ký kết Biên bản Hội nghị, thống nhất các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh nội địa ở mỗi nước; phát huy hiệu quả thực chất về hợp tác trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới, tập trung triển khai các cao điểm chung đấu tranh, trấn áp tội phạm xuyên quốc gia như tội phạm khung bố, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người, tội phạm ma túy; phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, truy bắt đối tượng truy nã.

Đặc biệt, hai bên phối hợp tổ chức Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ 8 giữa Bộ Công an hai nước tại Trung Quốc năm 2022.

Các đơn vị chức năng của hai bộ đã ký kết ba Bản ghi nhớ hợp tác về chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; hợp tác chống tội phạm sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet để thực hiện các hành vi lừa đảo; hợp tác quản lý di dân và xuất, nhập cảnh./.