Hội họa trên chất liệu dân tộc
Giấy dó được làm từ vỏ mạy sla (cây dưỡng) thường mọc tự nhiên trên các triền đồi, núi cao.

Giấy dó (giấy bản) của người đồng bào dân tộc Tày là một trong những chất liệu độc, lạ và khá khó chinh phục bởi câu chuyện văn hóa gắn liền với loại giấy này.

Chị Lý Thị Chiên, Noọng Homestay, thành phố Thái Nguyên chia sẻ về giấy dó của bà con dân tộc Tày: "Giấy dó là một giá trị văn hóa vẫn được lưu truyền trong đồng bào dân tộc Tày cho đến ngày nay. Giấy dó có ảnh hưởng rất lớn, mang ý nghĩa về mặt tâm linh, các thầy tào, thầy mo, thầy cúng trong những nghi lễ của mình thì thường sử dụng giấy dó để viết sớ và thực hiện các nghi thức tâm linh"

Có chút gì đó vừa lạ, vừa quen, vừa gần gũi vừa gây sự tò mò khám phá là cảm nhận của họa sĩ khi chạm những nét họa đầu tiên trên mặt giấy dó. Để biến giấy dó trở thành chất liệu sáng tác hội họa thì người họa sỹ cần thực sự hiểu, “ cảm” và “ chạm” được vào chất liệu đặc biệt này. Và quan trọng hơn, không phải chủ đề nào, đề tài nào cũng phù hợp.

Hội họa trên chất liệu dân tộc
Vẽ trên giấy dó là thử thách đặc biệt đối với mỗi họa sĩ

Họa sỹ Nguyễn Lộc, Giảng viên Trường Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc cho biết: "Giấy dó của người Kinh làm xưa nay mịn, dày, độ thấm hút tương đối. Thế nhưng giấy dó (giấy bản) người dân tộc Tày làm thì mặt giấy nhiều chỗ còn sần sùi, lùi lõm, theo nhiều hướng khác nhau thì chính điều đó lại tạo ra sự thấm hút khác nhau giữa mảng nọ và mảng kia của tờ giấy. Cùng một loại kỹ thuật nhưng khi vẽ trên giấy dó của dân tộc Tày thì lại tạo ra được hiệu ứng rất khác lạ"

Hội họa trên giấy dó mang một giá trị truyền thống và trở thành chiếc cầu nối giữ gìn giá trị truyền thống trong nghệ thuật đương đại./.