Học sinh Thái Nguyên thiết kế bảng học ghép vần cho người khiếm thị
Nhóm học sinh Trường THPT Sông Công, Thái Nguyên vừa thực hiện thành công đề tài nghiên cứu thiết kế bảng học ghép vần chữ Braille, giúp cho trẻ khiếm thị bước đầu học có thể tự ghép vần.

Sản phẩm được thiết kế với quy trình sử dụng tiện lợi: Trẻ khiếm thị dùng tay sờ và cảm nhận các ký tự Braille được thiết kế trên sản phẩm theo chiều từ trái qua phải; ấn nút tương ứng với hàng ký tự Braille vừa cảm nhận. Sản phẩm sẽ phát ra âm thanh ghép vần mà trẻ vừa cảm nhận được. Sau khi sử dụng sản phẩm, trẻ khiếm thị sẽ biết được cách ghép của các ký tự thành vần. Qua đó, trẻ cũng cảm nhận được các ký tự chữ nổi Braille một cách trực quan nhất.

Em Hoàng Ngọc Anh, Trường THPT Sông Công cho hay: "Những người khuyết tật mắt gặp rất nhiều khó khăn trong việc học chữ. Trên thị trường hiện nay cũng đã có những chiếc máy hỗ trợ học bảng chữ cái; nhưng làm thế nào để ghép những chữ cái đó thành vần, từ thì chưa có, nên nhóm em đã lên ý tưởng thực hiện đề tài này".

Em Lưu Hải Hà, Trường THPT Sông Công chia sẻ: "Nhờ kiến thức đã học ở nhà trường và tìm hiểu trên sách báo, chúng em đã có ý tưởng viết sơ đồ thuật toán, thiết kế mạch điện tử. Trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn nhưng em luôn được sự chỉ bảo tận tình của các thầy, cô giáo trong nhà trường; thiết kế được sản phẩm có thể ứng dụng trong thực tế".

Học sinh Thái Nguyên thiết kế bảng học ghép vần cho người khiếm thị
Bảng học ghép vần chữ Braille, giúp cho trẻ khiếm thị bước đầu học có thể tự ghép vần.

Người khiếm thị gặp khó khăn rất lớn trong việc tiếp thu kiến thức, đặc biệt là trong giai đoạn mới bắt đầu học chữ. Bởi vậy, việc quan tâm động viên học sinh tìm tòi, nghiên cứu các đề tài hướng tới phục vụ những nhóm đối tượng này là việc làm mang ý nghĩa giáo dục nhân văn.

Cô giáo Phạm Thị Ánh Tuyết, Trường THPT Sông Công cho biết: "Cô, trò vẫn trao đổi với nhau qua hình thức trực tuyến. Những thời gian đến trường được, cô trò cùng nhau tìm hiểu và hoàn thiện sản phẩm đó".

Được biết, đề tài nghiên cứu này đã được trao giải Nhì trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Thái Nguyên năm 2021./.