Học online kéo dài và những ảnh hưởng tâm lý đối với học sinh
Em Đào Nguyễn Hà My, tổ 12, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên học online trên điện thoại

Em Đào Nguyễn Hà My hàng ngày tham gia các tiết học online trên điện thoại. Bố mẹ đi làm cả ngày nên bà ngoại là người giám sát việc học của Hà My. Trải qua hàng giờ đồng hồ học trước màn hình điện thoại, không được tương tác với các bạn cũng là thiệt thòi đối với em.

Em Đào Nguyễn Hà My, tổ 12, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên: “Con nhìn điện thoại thấy mỏi mắt, con muốn đến lớp học với các bạn...”.

Bà Tống Thị Tâm, tổ 9, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên: “Về kiến thức các cháu tiếp thu được một phần thôi và không có giao tiếp với các bạn…”.

Hiện nhiều gia đình do bố mẹ bận công việc cả ngày nên không thể quan tâm, sát sao cùng các con học trực tuyến. Theo chuyên gia tâm lý, điều này kéo dài sẽ khiến nhiều em học sinh, đặc biệt các em cấp tiểu học gặp rất nhiều khó khăn về tâm lý vì phải ở nhà lâu ngày.

Học online kéo dài và những ảnh hưởng tâm lý đối với học sinh
Việc hướng dẫn học sinh qua hình thức học trực tuyến rất khó khăn

Tiến sỹ Lê Thị Phương Hoa, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên: ”Có những em khả năng thích nghi kém, khi chuyển sang học trực tuyến là các em bỡ ngỡ… Khi học trực tiếp không hiểu bài thì cô hướng dẫn, nhưng học trực tuyến thì cô hướng dẫn cũng khó và trò lĩnh hội cũng khó, đặc biệt là đối với học sinh ở cấp tiểu học”.

Những ảnh hưởng tâm lý học đường do dịch COVID-19 là vấn đề được nhiều chuyên gia giáo dục đặt ra. Điều này cần có đội ngũ cán bộ, giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập. Đặc biệt, việc đầu tiên mà nhiều trường học cần làm chính là linh hoạt trong thời khoá biểu học trực tuyến, phương pháp giảng dạy cũng như thay đổi để phù hợp với thực tế hơn.

Bà Hà Phong Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP Thái Nguyên: “Chúng tôi thực hiện điều chỉnh các nội dung dạy học để giảm tải đến mức tối đa thời lượng mà học sinh phải tiếp xúc với các thiết bị dạy học trực tuyến trong một ngày, có những hoạt động vui chơi nho nhỏ trong quá trình học để tạo tâm lý vui tươi cho các em…”.

Bà Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên: “Trong quá trình giảng dạy cũng có thể đưa các clip vui hay những trò chơi hoặc những câu chuyện vui… để giải tỏa phần nào tâm lý cho các em”.

Việc học trực tuyến hiện nay vẫn là phương án tối ưu trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp. Tuy nhiên, để hạn chế những tác động không mong muốn đối với sức khỏe và tâm lý học đường, rất cần sự quan tâm phối hợp của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh học sinh đối với quá trình học tập trực tuyến của các con, đặc biệt cần gia tăng những khoảng thời gian tương tác giữa các thành viên trong gia đình để phần nào bù đắp những thiếu hụt về tương tác với lớp học của con.