Hỗ trợ xi măng làm đường: Chủ trương hợp lòng dân
Phong trào làm đường giao thông nông thôn với chính sách hỗ trợ xi măng, góp phần quan trọng để các xã về đích nông thôn mới theo đúng kế hoạch

Nhiều năm trước, những tuyến đường liên xóm, liên xã của xã Ký Phú, huyện Đại Từ thường xuyên bị lầy lội vào vào mùa mưa, gây khó khăn cho người đi lại, giao thương và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Khi được tuyên truyền về lợi ích trong thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng bê tông hóa đường giao thông, người dân rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Việt Dung, xã Ký Phú, huyện Đại Từ vui mừng nói: “Được nhà nước quan tâm đầu tư người dân rất phấn khởi trong công tác hiến đất, giải phóng mặt bằng. Đây cũng là nguồn động viên rất lớn đối với người dân. Vì bình thường, đa phần huy động người dân làm nông nghiệp kinh phí đóng góp khá khó khăn”.

Khi được địa phương tuyên truyền về chủ trương hỗ trợ xi măng bê tông hóa đường giao thông, ông Nguyễn Hữu Hiển ở xóm Đoàn Kết, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ đã tiên phong hiến gần 600 mét vuông đất rừng và đất thổ cư của gia đình làm đường. Bởi mong mỏi của ông cũng như những người dân ở đây là giao thông sẽ được thuận lợi, thúc đẩy kinh tế văn hóa- xã hội địa phương phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Hiển, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Xác định có đường giao thông thì sẽ phát triển nên bà con rất phấn khởi. Khi có chủ trương này chúng tôi rất tự nguyện hiến đất làm đường. Trước kia chưa có đường xóm chỉ 1 doanh nghiệp, có đường giao thông giờ có thêm 4-5 xưởng gỗ bóc nữa, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người”.

Để thực hiện hiệu quả phong trào làm đường giao thông nông thôn với chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh, các địa phương đã rà soát, đăng ký tuyến đường đã xuống cấp, nhỏ hẹp để cứng hóa, mở rộng. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn trực tiếp giúp xã, thôn khảo sát, thiết kế, lập dự toán và hướng dẫn kỹ thuật. Với phương châm nhà nước hỗ trợ, người dân cùng làm, chủ trương hỗ trợ xi măng của tỉnh đã thực sự thúc đẩy phong trào cứng hóa, mở rộng đường làng, ngõ xóm ở nhiều địa phương, góp phần quan trọng để các xã về đích nông thôn mới theo đúng kế hoạch.

Ông Trần Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ký Phú, huyện Đại Từ: “Có hỗ trợ xi măng làm đường nên bà con rất phấn khởi, chủ động trong hiến đất làm đường, hiến tài sản cây cối hoa màu để mở rộng đường”.

Ông Lỗ Thanh Hiệp, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷđề nghị: “Nhân dân xã Hợp Tiến mong muốn Nhà nước có chương trình hỗ trợ để mở mang đường giao thông tại địa phương, giúp nhân dân phát triển kinh tế. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn mới rất hiệu quả đạt tiêu chuẩn, chất lượng”.

Hỗ trợ xi măng làm đường: Chủ trương hợp lòng dân
Người dân đồng tình hưởng ứng chương trình hỗ trợ xi măng bằng việc hiến đất, tài sản hoa màu trên đất để làm và mở rộng đường giao thông nông thôn

Từ năm 2012 đến nay, tổng lượng xi măng tỉnh hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn là trên 670.000 tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo và cứng hóa trên 8000km đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, những năm gần đây, các tuyến đường được cứng hóa đều mở rộng hơn so với trước, hầu hết mặt đường rộng từ 3,5m trở lên. Sau khi đổ bê tông mặt đường, các thôn, xóm đều thực hiện cạp lề, trồng hoa ven đường, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, điều đó cho thấy sự đồng lòng, hưởng ứng tích cực của người dân đối với chủ trương này của tỉnh.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn cho các địa phương. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan có giải pháp đồng bộ trong việc giám sát, kiểm tra chất lượng các tuyến đường đã đưa vào sử dụng.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Cũng đề nghị với ngành giao thông để có hướng dẫn về các tiêu chí với đường giao thông nông thôn trong giai tới. Thông qua việc quản lý, giám sát để nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhưng phải có cơ chế, phương án quản lý phù hợp, đảm bảo tuổi thọ, độ bền của công trình”.

Những kết quả trên đã tạo diện mạo mới về hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh và khẳng định cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Đây cũng là giải pháp kịp thời giải bài toán về nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, tạo đà để các địa phương phát triển kinh tế xã hội. Sử dụng hiệu quả nguồn xi măng được tỉnh hỗ trợ cũng như quản lý, bảo vệ những tuyến đường giao thông nông thôn là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và mỗi người dân.