Hỗ trợ học phí - giảm gánh nặng cho người dân
Thành phố Thái Nguyên là địa phương có số lượng học sinh đông nhất tỉnh với trên 76.000 học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập.

Thành phố Thái Nguyên là địa phương có số lượng học sinh đông nhất tỉnh với trên 76.000 học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập. Ngoại trừ trên 30.000 học sinh bậc tiểu học không phải nộp học phí theo Luật Giáo dục năm 2019 thì số lượng học sinh còn lại thực hiện nộp học phí theo Nghị quyết số 81 ngày 27/8/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 18 ngày 29/8/2022 của HĐND tỉnh Thái Nguyên. Mức thu học phí mới được thực hiện đảm bảo không thấp hơn “mức sàn” và không vượt “mức trần” của khung học phí do Chính phủ quy định. Mặc dù vậy, mức thu này vẫn cao hơn so với những năm học trước.

Chị Nguyễn Thị Dung, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Việc tăng học phí cũng ảnh hưởng đến nguồn tài chính của gia đình bởi mức học phí mới khá cao so với mức học phí cũ".

Hỗ trợ học phí - giảm gánh nặng cho người dân
Dự kiến sau khi Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, tỉnh Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết số 165 của Chính phủ.

Sau gần 4 tháng thực hiện Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh, đến ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập. Đến cuối tháng 2/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành hướng dẫn triển khai Nghị quyết 165 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã đề xuất HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục để thực hiện Nghị quyết số 165. Tổng kinh phí hỗ trợ là gần 190 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ phần chênh lệch học phí mà học sinh đã nộp của năm học 2022-2023 so với năm 2021-2022. Như vậy, ngân sách Nhà nước sẽ cấp cho các cơ sở giáo dục để trả lại phần chênh lệch học phí mà các em học sinh đã nộp".

Dự kiến sau khi Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, tỉnh Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết số 165 của Chính phủ.

Cô giáo Phan Thị Huyền Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Cơ, TP Thái Nguyên cho hay: "Đây là một thông tin rất đáng mừng đối với các bậc phụ huynh giúp cho các gia đình yên tâm hơn cho các con theo học tại các nhà trường".

Thầy giáo Hoàng Thanh Lâm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, TP Thái Nguyên cho biết: "Đây là sự quan tâm, chia sẻ và động viên rất lớn đối với các bậc cha mẹ học sinh và các thầy, cô giáo trong nhà trường".

Anh Phạm Tiến Dũng, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Hy vọng Nghị quyết sớm được thông qua để góp phần giải quyết những khó khăn về kinh tế đối với những cha mẹ có con đang học ở các trường".

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, phường Nam Tiến, TP Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết: "Với mức thu học phí hiện nay là 300.000 đồng/tháng rất cao, chúng tôi rất khó khăn so với mức thu nhập của tôi cũng như các phụ huynh khác. Nếu được tỉnh hỗ trợ chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi".

Những năm qua, việc thực hiện quy định về thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ luôn được tỉnh Thái Nguyên thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, từ đó giảm nỗi lo về học phí cho người dân, cũng như góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền./.