Học mà chơi, chơi mà học
Các em học sinh cũng như các thầy cô giáo đều hào hứng với những buổi sinh hoạt nhóm như thế này.

Một buổi sinh hoạt nhóm Tiếng Anh của Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ các em học sinh hào hứng sôi nổi trong hoạt động học mà chơi, chơi mà học. Tiếng Anh vốn vẫn là môn học khó với nhiều học sinh nhất là học sinh thuộc những khu vực vùng sâu, vùng sa. Tuy nhiên với việc chia thành từng nhóm học tập như này, cái khó đã phần nào được cải thiện, qua những trò chơi giúp các em dễ nhớ, dễ thuộc.

Em Trần Thị Thảo, Lớp 2D, Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa, Đồng Hỷ hào hứng nói: “Em cảm thấy rất vui khi tham gia những trò chơi này. Tuần sau, khi đến lớp, em sẽ rủ các bạn cùng chơi.”

Em Tống Kim Thương, Lớp 5D, Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa, Đồng Hỷ chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia ở góc sáng tạo. Góc sáng tạo nhiều các dụng cụ, quan sát nhiều cái để mình có thể tìm hiểu hơn những thứ mình chưa biết.”

Học mà chơi, chơi mà học
Các em học sinh sôi nổi tham gia chương trình.

Theo chia sẻ của nhà trường, không chỉ có nhóm học tập Tiếng Anh mà nhiều nhóm học tập khác cũng đã được nhà trường xây dựng, tạo ra sân chơi học tập, giải trí đầy hữu ích cho học sinh.

Cô giáo Trần Thị Đoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ cho biết thêm: “Học thông qua chơi là điều rất mong muốn của giáo dục hiện đại. Trường mình trước kia cũng đã được tìm hiểu về dự án này, và chúng tôi cũng đã áp dụng, tuy nhiên chưa thực sự bài bản. Học sinh có một tâm thế tốt khi tiếp thu bài giảng. Thứ 2 nữa là các em sẽ có sự tập trung chú ý tốt hơn, không nhàm chán đối với các hoạt động học tập.”

Anh Trần Văn Tuyên, Phụ huynh học sinh cũng đánh giá cao hoạt động này: “Trường cũng đã nhiều lần tổ chức chương trình này rồi. Thứ nhất, các con rất là thích vừa học, vừa chơi; mặc dù là về thì cũng có hơi mệt một chút nhưng các cháu rất thích.”

Tính chất, quy mô của các nhóm học tập có thể khác nhau, thế nhưng với việc xây dựng để xây dựng mô hình học tập sẽ giúp học sinh học mà chơi, chơi mà học trong nỗ lực phát triển giáo dục toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh. Đây cũng là những bước tiến đầu tiên để các nhà trường tiếp tục duy trì và thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới./.