Hình thành những vùng sản xuất nông sản an toàn
Thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xóm Cậy, xã Huống Thượng chăm sóc rau

Để có sản phẩm an toàn, các nông hộ trong Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xóm Cậy, xã Huống Thượng, TP Thái Nguyên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện nay, Tổ hợp tác có 16 hộ sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn. Mỗi ngày, Tổ hợp tác cung ứng theo chuỗi liên kết khoảng 1 tấn nông sản gồm rau, củ, quả các loại. Sản phẩm nông sản được cơ quan chuyên môn kiểm tra và được cấp tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn xóm Cậy, xã Huống Thượng chia sẻ: “Sản xuất rau theo quy trình VietGap đã làm thay đổi nhận thức của bà con, thay đổi cách làm, việc ghi chép sổ sách bà con làm rất tốt.”

Không chỉ riêng vựa rau xã Huống Thượng, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nhiều sản phẩm chủ lực như rau xanh các loại, dưa lưới… Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiên tiến giúp năng suất cây trồng tăng lên đáng kể. Hầu hết, các loại nông sản sạch đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận.

Anh Bùi Huy Hoàng, Trạm Chuyển giao Kỹ thuật giống cây trồng Nông, Lâm nghiệp Gia Sàng, TP Thái Nguyên cho biết: “Đưa dưa lê vào trồng theo mô hình công nghệ cao, trồng trong nhà lưới sẽ quản lý được dinh dưỡng và khả năng phát triển, tạo quả. Từ đó mình có thẻ dễ dàng xử lý được độ to của quả và thời gian thu hoạch. Hiệu quả kinh tế của loại dưa này sẽ cao hơn so với các loại dưa thông thường.”

Hình thành những vùng sản xuất nông sản an toàn
Mô hình trồng dưa lưới của Trạm Chuyển giao Kỹ thuật giống cây trồng Nông, Lâm nghiệp Gia Sàng, TP Thái Nguyên

Với các sản phẩm nông sản an toàn, nông sản sạch đã và đang được các cơ quan chức năng triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, tìm kiếm đối tác, thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm như: chương trình Phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu hướng đến xuất khẩu; duy trì hai điểm bán hàng nông sản sạch, nông sản an toàn… qua đó, góp phần giới thiệu sản phẩm sạch, sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản Thái Nguyên cho biết: “Tất cả các sản phẩm được đưa vào cửa hàng đều được cán bộ và nhân viên đến tận nơi kiểm tra. Chúng tôi đều liên kết với các hộ nông dân, thường xuyên đến các cơ sở sản xuất để kiểm tra, xem có đảm bảo an toàn hay không thì mới đồng ý đưa vào cửa hàng trưng bày và phục vụ cho nhân dân trên địa bàn.”

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, đã có những sản phẩm rau, củ, quả được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và đã hình thành các mô hình liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, chủ lực. Ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đang tăng cường tập huấn nâng cao kỹ thuật, nhận thức của người dân trong việc sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn; khuyến khích người dân đầu tư trồng rau theo mô hình nhà lưới bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Trong năm 2020 và những năm gần đây, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên đã tham mưu cho sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, đặc biệt là những nông sản tham gia vào chuỗi liên kết. Thông tin về sản xuất, sơ chế, chế biến, về bao gói sản phẩm được các doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn chất lượng áp dụng theo quy định pháp luật. Là cơ quan quản lý Nhà nước về truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hàng năm chi cục xây dựng kế hoạch để hậu kiểm về những thông tin mà doanh nghiệp đưa lên công bố với người tiêu dùng trong hệ thống truy xuất nguồn gốc như sử dụng tem bằng mã QR Code để minh bạch về quá trình sản xuất và lưu thông sản phẩm.” - Ông Dương Sơn Hà, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên cho biết.

Hình thành những vùng sản xuất nông sản an toàn
Ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên tăng cường thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản

Có thể thấy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đã và đang có những định hướng lớn xuyên suốt. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để ngành thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao trong sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch.