Hiệu quả từ các mô hình “Điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông”
Các điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông được trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế

Điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 17, thuộc địa phận xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến huyện Đồng Hỷ là một trong 5 điểm vừa được Hội Chữ thập đỏ và Ban An toàn giao thông tỉnh bàn giao nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế với trị giá 19 triệu đồng. Khu vực này được xác định là điểm đen, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Ông Triệu Như Lâm, xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: "Đường liên tỉnh, đường quốc lộ cho nên tốc độ mọi người di chuyển rất cao, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Có nhiều trường hợp đã tử vong do sơ cấp cứu ban đầu không tốt cho nên tôi thấy điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông rất hữu ích"

Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện đang duy trì hoạt động của hơn 5 điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông. Để các mô hình này hoạt động hiệu quả, hàng năm, Hội Chữ thập đỏ của huyện đã tổ chức tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu cho các tình nguyện viên, giúp họ nắm vững nguyên tắc xử lý, thành thạo các động tác băng bó, cầm máu, cố định xương gãy, phương pháp di chuyển nạn nhân và các kỹ năng thông thường.

Ông Dương Văn Thuận, Chủ tich Hội Chữ thập đỏ huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên nhấn mạnh: "Điểm sơ cấp cứu tạm thời đối với những trường hợp không may gặp sự cố rất hiệu quả và cũng phòng tránh được những rủi ro ngoài ý muốn"

Hiệu quả từ các mô hình “Điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông”
Điểm sơ cấp cấp cứu tai nạn giao thông xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên

Toàn tỉnh hiện có 48 “điểm sơ cấp cấp cứu tai nạn giao thông”. Mỗi điểm có sự tham gia từ 5 thành viên trở lên với các điểm chốt sơ cấp cứu nằm trên tuyến Quốc lộ và tỉnh lộ để sẵn sàng tiếp nhận thông tin, sơ cấp cứu kịp thời. Ở từng điểm chốt, Hội Chữ đỏ các cấp, đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh trang bị đầy đủ thuốc, dụng cụ y tế, các thành viên được cấp phát túi sơ cấp cứu, áo, mũ. Mỗi khi có tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn thì người phụ trách có mặt ngay tại hiện trường để sơ cấp cứu cho nạn nhân. Kết quả, mỗi năm các trạm sơ cấp cứu hỗ trợ ứng cứu kịp thời cho hàng trăm lượt người. Những người trực chốt thường là những y, bác sĩ nghỉ hưu, là cán bộ, người dân trong địa bàn.

Ông Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thái Nguyên: "Hội Chữ thập đỏ tỉnh hằng năm đã phối hợp tổ chức các hội thi tìm hiểu về Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cũng như các kiến thức liên quan đến Luật Giao thông đường bộ qua đó thực hành kỹ năng sơ cấp cứu giúp cho các câu lạc bộ cũng như các điểm chốt thực hiện tốt nhiệm vụ của mình"

Hiệu quả từ các mô hình “Điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông”

Mô hình điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông mang ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện tình tương trợ trong cộng đồng, nhằm giúp đỡ những người không may bị tai nạn giao thông được cấp cứu kịp thời, giảm thương tật hoặc nguy hiểm đến tính mạng./.