Thượng tá Phan Văn Phát, Giám đốc Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu cho biết: Thời gian qua, đội ngũ y sĩ, bác sĩ trung tâm đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài, dự án từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước mang tính thực tiễn cao, có giá trị trong việc sản xuất thuốc, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội, nhân dân. Điển hình như: đề tài “Nghiên cứu sinh thái, sinh lý của rắn, các biện pháp phòng và điều trị rắn độc cắn ở Việt Nam”; “Quy trình bào chế thuốc đông nam dược cây kim vàng”; “Kháng huyết thanh trị rắn độc cắn”; “Viên chống lạnh cho bộ đội ở vùng có khí hậu khắc nghiệt”… đã được hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao.

hieu qua nghien cuu khoa hoc va che bien duoc lieu phuc vu bo doi nhan dan

Công nhân Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu đóng gói thuốc điều trị rắn độc cắn và các dược phẩm từ nọc rắn.

Trung tâm còn phối hợp với Viện Vắc-xin và chế phẩm sinh học y tế Nha Trang, nghiên cứu đề tài “Kháng huyết thanh trị rắn độc cắn” và được nghiệm thu cấp Bộ Y tế. Đây là thuốc đặc trị dùng để trung hòa nọc độc của rắn có hiệu quả cao trong điều trị. Sản phẩm được lưu hành năm 2002. Theo Thượng tá Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc trung tâm, phương pháp giải độc bằng kháng huyết thanh có tác dụng nhanh và hiệu quả cao khi kết hợp với các biện pháp cấp cứu hồi sức sẽ giúp người bị rắn độc cắn phục hồi sức khỏe nhanh, ít bị di chứng. Sau hơn 10 năm (2006 – 2017) thực nghiệm với gần 7.000 người vào điều trị, chưa có trường hợp nào tử vong. Kết quả này cũng được Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh xác nhận sau nhiều năm sử dụng.

Hiện nay, Trung tâm có Khoa Điều trị rắn độc cắn với 20 giường bệnh. Song số lượng nạn nhân đến khoa điều trị khá đông (khoảng 2.000 ca/năm). Từ đầu năm 2017 đến nay đã có gần 1.500 ca, chủ yếu là nông dân lao động ở khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh… đến điều trị rắn độc cắn. Nhiều nạn nhân được đưa đến trong tình trạng mạch yếu, huyết áp tụt, hôn mê, vết thương sưng phù, tím bầm và đang có dấu hiệu hoại tử, nhưng đều được cứu sống, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 100%. Điển hình như ông Nguyễn Hữu Tài (50 tuổi), ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, bị rắn hổ đất cắn. Do gia đình phát hiện muộn, mất gần 4 giờ sau ông Tài mới được đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Y học cổ truyền Bến Tre rồi sau đó mới chuyển sang Trung tâm. Thượng tá Vũ Ngọc Lương kể lại: “Hôm đó, đã hơn 18 giờ, chúng tôi tiếp nhận nạn nhân trong tình trạng toàn thân tím tái, tim mạch gần như ngừng hẳn. Kíp trực phải hồi sức tổng hợp, truyền dịch, dùng thuốc trợ tim và truyền hết 16 lọ huyết thanh. Hơn 8 tiếng, ông Tài dần hồi phục. Sau một tháng điều trị, ông Tài xuất viện".

Thượng tá Vũ Ngọc Lương cho hay: "Thời gian nhiễm nọc độc của rắn khi đã vào cơ thể rất nhanh, nếu không có biện pháp chữa trị khoa học thì nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên, bà con vùng sâu, vùng xa còn nặng thói quen tìm đến các thầy thuốc nam chạy chữa, nên đã có không ít trường hợp bị biến chứng càng nặng hơn. Vì vậy, khi bị rắn cắn, cần phải đến cơ sở y tế kịp thời. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng tính mạng của con người phải đặt lên hàng đầu nên các y sĩ , bác sĩ của trung tâm luôn trực 24/24 giờ để kịp thời cứu chữa các bệnh nhân...".

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng nền y học cổ truyền dân tộc, Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu (Cục Hậu cần, Quân khu 9) và Đại tá, bác sĩ Trần Văn Dược, giám đốc đầu tiên của trung tâm vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.