Hiệu quả công tác tăng cường dạy Tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số
Dự giờ một tiết dạy của giáo viên Trường Mầm non Bảo Linh, nhiều giáo viên đã rất hứng thú trước những sáng tạo của giáo viên dạy, cũng như sự tự tin và khả năng nói thành thạo Tiếng Việt của các cháu học sinh lớp 5 tuổi.

Dự giờ một tiết dạy của giáo viên Trường Mầm non Bảo Linh, nhiều giáo viên đã rất hứng thú trước những sáng tạo của giáo viên dạy, cũng như sự tự tin và khả năng nói thành thạo Tiếng Việt của các cháu học sinh lớp 5 tuổi ở đây. Được biết, thực hiện Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh, Trường Mầm non Bảo Linh đã chú trọng tới các yếu tố ảnh hưởng đến nghe, nói, đọc và các nội dung, phương pháp, hình thức đa dạng.

Cô giáo Ma Thị Thu Trang, Trường Mầm non Bảo Linh, huyện Định Hóa chia sẻ: "Ở trường mầm non xã vùng cao thì đa số trẻ là người dân tộc thiểu số, vì vậy, trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, chúng tôi luôn chú ý đến việc tăng cường Tiếng Việt cho trẻ trong tất cả mọi hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động phát triển ngôn ngữ. Ngoài ra, môi trường ở trong và ngoài lớp chúng tôi đều chú ý tăng cường Tiếng Việt cho trẻ. Để giữ gìn tiếng mẹ đẻ, chúng tôi đã thực hiện lồng ghép dạy trẻ trong các hoạt động trong ngày, đưa vào đó một số tiếng mẹ đẻ để trẻ được đọc, phát âm, nói, qua đó giữ gìn bản sắc dân tộc của quê hương Định Hóa".

Hiệu quả công tác tăng cường dạy Tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số
Trường Mầm non Bảo Linh đã chú trọng tới các yếu tố ảnh hưởng đến nghe, nói, đọc và các nội dung, phương pháp, hình thức đa dạng.

Trường Mầm non Bảo Linh có 189 học sinh, tỷ lệ trẻ là dân tộc thiểu số chiếm trên 89%. Tuy nhiên, 100% số trẻ tại đây đều có thể nói Tiếng Việt thành thạo. Đây cũng là kết quả việc người dân tộc thiểu số trên địa bàn thường xuyên sử dụng Tiếng Việt là ngôn ngữ giao tiếp thường ngày, cùng với việc nhà trường tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh dựa trên tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Cô giáo Bùi Thị Lai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bảo Linh, huyện Định Hóa cho hay: "Chúng tôi đã chỉ đạo các lớp thực hiện song ngữ tiếng Tày, qua đó, hàng ngày các con được rèn, được nói và các con rất vui, thích thú".

Cũng theo kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, đối với cấp học mầm non, sẽ tập trung tăng cường dạy Tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ tại 41 trường thuộc 5 huyện: Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa và Phú Bình. Những trường mầm non nằm trong kế hoạch này sẽ được trang bị các bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, tài liệu hướng dẫn.

Bà Trần Thị Thúy, Phó Trưởng phòng Tiểu học, Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Giai đoạn 2022-2025 không chỉ tăng cường dạy Tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số mà còn duy trì, khôi phục, giữ gìn tiếng mẹ đẻ của trẻ. Với chủ đề tăng cường Tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, tại lớp tập huấn chúng tôi đã đến Trường Mầm non Bảo Linh - một trong những đơn vị thực hiện rất tốt, phù hợp với xã Bảo Linh và phù hợp với văn hóa vùng miền của huyện Định Hóa. Đây là hoạt động rất tốt, cần được duy trì, phát triển mở rộng hơn nữa trong cấp học mầm non của tỉnh Thái Nguyên".

Việc phát triển ngôn ngữ của trẻ mầm non, người dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ sẽ giúp tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền./.