Hiệu quả các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch
Nhiều chính sách được ban hàn hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Trong gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng để phục hồi kinh tế sau đại dịch, có gói hỗ trợ tài khóa với quy mô tới 291.000 tỷ đồng, bao gồm: giảm thuế, phí, lệ phí; đầu tư phát triển về y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Cùng với việc ban hành kịp thời, toàn diện các chính sách hỗ trợ, việc triển khai nhanh chóng, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã góp phần mang lại những hiệu quả thiết thực.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đánh giá: "Sau đại dịch nhất là bão giá vừa rồi, thì chính sách triển khai rất cụ thể, và đạt hiệu quả. Doanh nghiệp cũng nhận thức được nếu có tiêu chí thì tiếp cận. Có thể nói đây là quả đấm thép trong chiến lược của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp".

Đáng chú ý, có hiệu lực từ tháng 2/2022, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng VAT từ 10% xuống 8 % được đánh giá là một trong những chính sách có tác động rộng rãi và rõ ràng nhất đến thị trường trong năm 2022.

Ông Dương Thế Hùng, Giám đốc Siêu thị Aloha cho biết: "Thời gian gần đây có rất nhiều nguyên nhân nên nhiều sản phẩm tăng giá liên tục, làm cho người dân không nhận biết được chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên tôi thấy chính sách này vẫn có cái giá trị, nếu như không có thì các sản phẩm sẽ phải cộng thêm khoảng 2% giá thành nữa".

Đặc biệt, với những chỉ đạo quyết liệt trong điều hành ổn định giá xăng dầu trong nước đã tác động mạnh mẽ đến cả kinh tế vi mô và vĩ mô, góp phần kìm chế lạm phát và thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh sản xuất và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế khác.

Ông Phạm Đức Thuận, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Th ái Nguyên mong muốn: "Trong thời gian khó khăn vừa qua, Chính phủ đã có chính sách rất quyết liệt là giảm giá xăng, đây là chính sách tích cực lớn nhất giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Mong muốn Chính phủ có những chính sách như như vậy để tạo doanh nghiệp có những bứt phá".

Hiệu quả các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch
Hàng loạt các gói vay ưu đãi được triển khai qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Đối với các chính sách tiền tệ, hàng loạt các gói vay ưu đãi được triển khai qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều người dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để hiện thực hóa những nhu cầu thiết yếu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, như: mở rộng sản xuất kinh doanh, sửa chữa hoặc xây mới nhà ở; hay đơn giản chỉ là mua máy vi tính cho con học online.

Anh Hoàng Văn Đông - TP Phổ Yên cho biết: "Nguồn vốn được vay về tôi đầu tư mua trâu bò giống để chăn nuôi giải quyết việc làm trước mắt. Hy vọng với số vốn được vay này sẽ là giúp cho gia đình tôi là phát triển kinh tế vững chắc, lớn mạnh hơn nữa".

Ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Đến nay chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên đã giải ngân nguồn vốn theo Nghị quyết 11 được 136/162 tỷ đồng và đạt 83,5% kế hoạch. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát các cái đối tượng thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết lần 11 đảm bảo tập trung giải ngân nhanh chóng, kịp thời đúng đối tượng thụ hưởng".

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả mang lại, việc triển khai các chính sách vẫn có độ trễ nhất định, nhất là đối với các chính sách tiền tệ. Điển hình là việc hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mặc dù đã 3 tháng triển khai chính sách, song đến nay toàn tỉnh mới có 3/27 ngân hàng thực hiện việc hỗ trợ với 10 khách hàng.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Nói là 40.000 thì cũng cho 1 số đối tượng là doanh nghiệp là các xã là người dân chứ không phải tất cả trong toàn xã hội, vì vậy sẽ khó trong việc xác định đối tượng; tâm lý của người vay cũng như của ngân hàng thương mại còn có e dè nhất định trong việc hiểu các văn bản trong vấn đề thanh tra kiểm tra sau khi đã hỗ trợ. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng đường dây nóng để nghe các phản ánh của các doanh nghiệp, kịp thời hướng dẫn các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thực hiện các chính sách của Chính phủ"

PGS.TS Đỗ Anh Tài, Chuyên gia Kinh tế, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học KT&QTKD, ĐH Thái Nguyên cho biết: "Chính phủ cũng đã lới trần tín dụng đây là một trong những giải pháp; thứ hai là cần phải cung cấp thông tin đến được người thụ hưởng để họ không còn bị thụ động nữa. Theo tôi, phải rà soát ban hành lại một số quy định để cộng đồng doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh nhất đến lượng vốn".

Dù vẫn còn những trở ngại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cùng ảnh hưởng của các yếu tố khách quan từ tình hình thế giới, nhưng có thể nói, nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời, đồng bộ và tổ chức triển khai quyết liệt. đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh; đồng thời tạo điều kiện để các địa phương, trong đó có Thái Nguyên hoàn thành thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2022.