Hiệu quả bước đầu trong thi đua đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số
Thái Nguyên đứng thứ 3 cả nước về chỉ số PAPI, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về chỉ số PCI năm 2020.

Thái Nguyên đứng thứ 3 cả nước về chỉ số PAPI, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về chỉ số PCI năm 2020. Trong nhiều chỉ số được cải thiện ấn tượng thì chỉ số thủ tục hành chính công và tính năng động của chính quyền địa phương được các chuyên gia nhắc đến nhiều nhất. Đây là kết quả của việc tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

Anh Dương Quốc Mạnh, huyện Phú Bình đến thực hiện 1 số dịch vụ công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Mặc dù, đã khá hài lòng với các dịch vụ công ở mức 3 nhưng khi được cán bộ tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mức độ mà người dân như anh chỉ cần ngồi ở nhà đăng ký dịch vụ và kết quả sẽ trả tận nơi mà không phải đến cơ quan chức năng, thì với anh, đó là thông tin mà người dân rất cần. Anh Dương Quốc Mạnh chia sẻ: "Tôi được biết đến dịch vụ công mức độ 4, tôi cảm thấy rất thuận lợi. Sau này, chúng tôi sẽ sử dụng dịch vụ công mức độ 4 tại nhà và không phải di chuyển đi xa".

Hiệu quả bước đầu trong thi đua đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số
Trung tâm Điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thái Nguyên là nơi tập trung thực hiện việc giám sát, điều hành các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tỉnh.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có gần 80 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao, hơn 200 sản phẩm có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP. Cũng nhờ áp dụng chuyển đổi số vào phát triển, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, phát huy năng lực sáng tạo của người dân khu vực nông thôn trong liên kết sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.Nhờ triển khai đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, ngay từ những ngày đầu năm, Chương trình chuyển đổi số của tỉnh đã ghi nhận những kết quả khả quan. Về chính quyền số, đến nay, UBND tỉnh đã công bố 1.231 thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện thực hiện cung cấp và thực hiện mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Hệ thống Cổng thông tin điện tử, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hội nghị truyền hình trực tuyến đang vận hành tốt và phát huy hiệu quả.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt cho hay: "Chúng tôi thấy người tiêu dùng khi check mã vạch đều có giá trị sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc để người tiêu dùng thực sự yên tâm và góp phần quảng bá thương hiệu".

Bên cạnh đẩy mạnh các nội dung chuyển đổi số trong khối các cơ quan, ban, ngành, đối với khối doanh nghiệp cũng đã được chính quyền các cấp xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp thị xã Phổ Yên cho biết: "Chính quyền đã vào cuộc, đã quan tâm đến các nhà đầu tư cũng như Hội Doanh nghiệp thị xã Phổ Yên đã họp Ban Chấp hành và Thường trực Hội tuyên truyền tới các hội viên của mình để nắm bắt được các giải pháp xử lý chuyển đổi số của hành chính công. Đây là 1 chương trình giảm các thủ tục hành chính, rút ngắn, nhanh gọn các thủ tục để tiếp cận đất đai. Hội Doanh nghiệp thị xã Phổ Yên luôn đồng hành cùng hệ thống chính trị, các ban, ngành".

Với nhiều giải pháp đồng bộ, trong lĩnh vực xã hội số, các ngành y tế, giáo dục, lao động… của tỉnh cũng đang tích cực phối hợp với địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành trở thành dữ liệu dùng chung trong toàn tỉnh; triển khai xây dựng và khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân trên mọi mặt đời sống xã hội.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với tầm nhìn chiến lược, cùng sự quyết tâm và những bước đi chủ động, sáng tạo và sự tích cực hưởng ứng trong phong trào thi đua đẩy mạnh chuyển đổi số của các cấp, ngành, địa phương, tin tưởng, tỉnh Thái Nguyên sẽ từng bước cụ thể hóa mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du, miền núi phía Bắc; đến năm 2025, thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số./.