Hiện vật cũ - Câu chuyện mới trong mắt giới trẻ
Việc áp dụng số hóa giúp khách tham quan chủ động trong việc tìm hiểu thông tin và trải nghiệm

Nói đến tham quan bảo tàng, xưa nay nhiều người thường cảm thấy ngần ngại bởi sự khô cứng, nhàm chán, tẻ nhạt, thì nay, nhờ công nghệ số, những câu chuyện hấp dẫn từ các hiện vật đã giúp Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam trở thành 1 trong những điểm đến hấp dẫn ở TP Thái Nguyên. Cũng chính việc mạnh dạn đưa các công nghệ tiên tiến vào hoạt động trưng bày như công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, công nghệ lưu trữ điện toán đám mây...ở bảo tàng đã giúp khách tham quan được chủ động tìm hiểu thông tin về hiện vật với cảm giác tự trải nghiệm, nhất là giới trẻ vốn yêu thích công nghệ và khám phá. Và tình yêu với di sản cứ nhân dần lên khi chỉ cần 1 cú click là có thể tìm hiểu ứng dụng vào số hóa di sản và bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Em Hoàng Thảo My, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc cho biết: "khi trải nghiệm thực tế em cảm thấy thấy công nghệ tiên tiến, dễ quan sát, tạo ra cảm giác nhớ về quê hương."

Họa sĩ Nguyễn Khắc Thịnh, Thành viên Hội Thiết kế Bảo tàng thế giới cho biết: " Việc số hóa dữ liệu các tự liệu trong bảo tàng là giải pháp hữu hiệu, đưa mọi người vào không gian của văn hóa để tìm hiểu một cách trực quan, dễ dàng hơn."

Các di sản văn hóa cũng giống như sợi dây kết nối từ quá khứ tới hiện tại và tương lai. Sáng tạo và dấn thân, đó là lợi thế của tuổi trẻ. Đưa Bảo tàng trở thành môi trường nghệ thuật cho các bạn trẻ được thoải mái sáng tạo bước đầu cho thấy sự lan tỏa tình yêu di sản văn hóa dân tộc, góp phần đưa di sản đến gần với công chúng qua góc nhìn của tuổi trẻ. Qua đó, có thể thấy, giới trẻ thật sự quan tâm đến việc bảo tồn và mong muốn được góp sức mình trong việc bảo tồn những di sản quý này.

Chị Trịnh Minh Tú, Phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên cho biết: "Tôi rất ủng hộ việc việc tạo cảm hứng cho các thế hệ trẻ, bởi vì chính thế hệ trẻ sẽ là những người kế cận để bảo tồn, gìn giữ những di sản văn hóa Việt Nam sau này."

Bằng nhiều cách làm sáng tạo mà nhiều hiện vật, tư liệu hàng trăm năm, nghìn năm vốn nằm im lìm trong tủ kính, nay có một đời sống mới, gần gũi với công chúng. Theo đó, bảo tàng không chỉ phát triển khán giả mà còn phải phát triển hơn nữa không gian, môi trường giáo dục, sáng tạo nghệ thuật đặc biệt phù hợp với xã hội số, công dân số và văn hóa số.

Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đang triển khai số hóa các tư liệu, hiện vật sẵn có trong bảo tàng cả trong và khuôn viên ngoài trời, dự kiến tháng 11 năm 2023 sẽ hoàn thành."

Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa và bảo tàng được đặt mục tiêu phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Ở Thái Nguyên việc đổi mới trong hoạt động di sản tiếp cận giới trẻ ở Bảo tàng đang là những hoạt động được đặc biệt chú ý, nhằm lan tỏa các giá trị đến thế hệ tương lai, đồng thời sử dụng hợp lý các tài nguyên du lịch phi vật thể, lấy đó làm công cụ chủ yếu để cạnh tranh thu hút khách du lịch./.