Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Chăn nuôi bò thương phẩm ba bê là mô hình đang cần sự đầu tư nguồn vốn lớn, ưu đãi giúp người nông dân có thời gian quay vòng

Với khát vọng lập nghiệp tại quê hương, anh Nguyễn Văn Sơn, ở xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên đã chọn hướng phát triển kinh tế bằng việc chăn nuôi tại gia đình. Trải nghiệm qua nhiều mô hình, tuy nhiên thu nhập cũng chỉ đủ chi phí sinh hoạt.

Mới đây anh Sơn đã quyết định đầu tư nuôi bò thương phẩm ba bê. Giống bò hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao, song nguồn vốn đầu tư cũng khá lớn.

Anh Nguyễn Văn Sơn, xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên chia sẻ về dự định: “Hết năm nay, đầu sang năm mình sẽ nuôi với quy mô lớn tầm 20-30 con. Tôi cũng rất muôn là được tiếp cận vay vốn bên ngân hàng để mình mở rộng phát triển chăn nuôi. Nguồn vốn của gia đình thì hiện nay chưa thể đáp ứng được”.

Là một trong số ít hộ gia đình được hưởng đồng thời 2 gói hỗ trợ chính sách, những năm qua gia đình Hoàng Thành Vinh, xóm Cầu Mai, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để chăm sóc trên 10 ha rừng và hơn 1 mẫu chè cho năng xuất, chất lượng cao.

Anh Hoàng Thành Vinh, xóm Cầu Mai, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Mỗi năm trừ chi phí đi thì gia đình còn dư được tầm 70-80 triệu đồng".

Ông Nguyễn Đức Xen, Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ tổng kết: “Tổng dư nợ của xã đến nay là gần 70 tỷ đồng. Sau 1 tháng là chúng tôi lại xuống tận tổ vay vốn, hộ nông dân kiểm tra xem sử dụng vốn có đúng mục đích hay không”.

Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra tín chấp với ngân hàng đã có sự giám chặt chẽ đối với việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi

Đây chỉ là hai trong số hàng chục nghìn khách hàng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đến thời điểm hiện tại, với tổng dư nợ trên 1,5 nghìn tỷ đồng. Qua rà soát thực tế, hầu hết các nguồn vốn vay đều sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại nhiều địa phương.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có trên 120 tỷ đồng được giải ngân kịp thời giúp hàng nghìn khách hàng trong phát triển sản xuất, đồng thời hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội cũng triển khai nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân trước tác động của đại dịch COVID-19.

Ông Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về phương hướng trong thời gian tới: “Tiếp tục hỗ trợ, tăng nguồn vốn cho vay và tạo điều kiện cho các hộ gặp khó khăn. Một là cho gia hạn nợ thêm 1 thời gian để cho đối tượng được vay có thời gian phát triển kinh tế, tăng thu nhập và có điều kiện trả vốn cho nhà nước kịp thời. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, chúng tôi đã khai thác nguồn vốn của Trung ương để tập trung cho vay nâng mức”.

Thực tế cho thấy, ngân hàng chính sách xã hội đã làm tốt trọng trách đồng hành, khởi nghiệp cùng người dân ở nhiều vùng quê. Các chính sách tín dụng không chỉ giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và từng bước làm giàu mà còn tạo đà để chính những người nông dân phát triển kinh tế của gia đình, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển và giàu mạnh.