Hề chèo- nhân vật được tạo hình đặc biệt trên sân khấu truyền thống
Hề chèo trong bức tranh "Chèo" của danh họa Bùi Xuân Phái

Dù đã rời xa ánh đèn sân khấu gần 40 năm, nhưng với bà Nguyễn Thúy Nhung, nguyên là một diễn viên của đoàn chèo Bắc Thái năm xưa, những ký ức về các vai diễn trên sân khấu chưa bao giờ phai. Mỗi lần nghe lại những làn điệu hay xem những vở diễn trên truyền hình, kỷ niệm của những ngày mới bước chân vào nghề lại ùa về. Đặc biệt là các vai diễn hề, một trong những vai diễn luôn được xem là có tính tạo hình đặc biệt ở bộ môn nghệ thuật này

Bà Nguyễn Thúy Nhung, Tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên chia sẻ: “Mượn hình thức hề này để phản ánh mọi mặt hiện thực trong cuộc sống. Chính nhân vật hề chèo là những nhân vật thông minh đã phản ánh hiện thực cuộc sống rất dí dỏm, dễ gần gũi. Cuộc sống nghệ thuật bây giờ sự tồn tại của nhân vật hè chèo quá ít”.

Còn với NSƯT Minh Thắng, một gương mặt đã trở nên quen thuộc với các vai diễn hề trong những vở chèo, việc thể hiện vai diễn này là cả một quá trình lao động nghệ thuật đầy khó khăn. Trở về nhà sau những giờ tập luyện miệt mài, NSƯT Minh Thắng luôn dành những khoảng thời gian nhất định để nghiên cứu kịch bản và đặc biệt là việc xem lại những vai diễn mà mình đã thể hiện để từ đó tìm ra cách diễn tốt nhất cho những lần thể hiện tiếp theo. Bởi với người nghệ sĩ thì sáng tạo cách diễn, đặc biệt là một nhân vật luôn mang lại tiếng cười châm biếm là cả một nỗ lực rất lớn.

NSƯT Nguyễn Minh Thắng, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Yếu tố cơ bản là năng khiếu của người nghệ sĩ. Có người hợp vai kép, có người hợp vai đào, nhưng tôi thì chọn vai hề. Rất khó đó, mỗi vai phải có một kiểu sáng tạo”.

Hề chèo- nhân vật được tạo hình đặc biệt trên sân khấu truyền thống
NSUT Minh Thắng (bên trái) trong một buổi tập vở diễn

Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của các loại hình giải trí cũng đã phần nào làm cho nghệ thuật truyền thống nói chung ít được để ý hơn. Do đó, những người nghệ sĩ đứng trên sân khấu truyền thống cũng phải tự tìm cho mình những cách diễn hay, những cách làm mới nhân vật để tiếp cận được nhiều đối tượng khán giả hơn. Dù vậy, theo chia sẻ của NSUT Minh Thắng thì đây cũng chưa phải là điều khó khăn nhất, mà thay vào đó chính là việc tìm kiếm những gương mặt trẻ tài năng thay thế những lớp người đi trước.

NSƯT Nguyễn Minh Thắng, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho hay: “Cả thế giới chỉ Việt Nam có chèo. Đó là một môn nghệ thuật bác học, là sân khấu nghệ thuật có tính đời sống rất sâu sắc. Nhưng rất trăn trở là giới trẻ hiện giờ hầu như không còn đam mê với nghệ thuật truyền thống”.

Trong cuộc sống hiện đại, với sự giao thoa nhanh chóng của nhiều nền văn hóa thì nghệ thuật truyền thống rất cần có được sự ủng hộ không chỉ từ khán giả. Bên cạnh đó, cần có những lộ trình phát triển cụ thể mang tính định hướng từ những nhà quản lý để từ đó có thể gìn giữ những giá trị truyền thống độc đáo của dân tộc.