Hậu COVID-19, gia tăng số lượng trẻ chậm nói
Tình trạng chậm nói ở trẻ lứa tuổi mầm non đang có chiều hướng gia tăng.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thái Nguyên, thời gian gần đây, lượng bệnh nhân từ 2-3 tuổi đến thăm khám và can thiệp tại bệnh viện đã tăng từ 20-30% so với thời gian trước đây và đa phần là trẻ bị chậm nói.

Chị Trần Thị Thảo Trang, xóm Bồng Hút, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương chia sẻ: "Bé nhà tôi chỉ nói được vài từ, dạy bé nhưng bé không nói, ở nhà bé muốn chơi 1 mình. Lúc mới vào bệnh viện, chỉ nói được vài từ. Bây giờ bố mẹ nói con đã có thể nói theo".

Điều dưỡng Nguyễn Thị Chinh, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thái Nguyên cho hay: "Sau 02 năm dịch COVID-19, lượng bệnh nhân nhập viện tăng khá nhiều. Trước COVID-19, vào viện trung bình từ 90-100 cháu, bây giờ đã thêm mấy chục cháu. Do ảnh hưởng COVID-19 nên trẻ không được đi học, không được tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ thu mình lại 1 góc, không tiếp xúc với các bạn khác, giao tiếp của trẻ cũng bị hạn chế".

Hậu COVID-19, gia tăng số lượng trẻ chậm nói
Chậm nói ở trẻ cần được phát hiện và can thiệp sớm.

Từ 2-3 tuổi là khoảng thời gian vàng để trẻ phát triển ngôn ngữ. Đối với trẻ chậm nói đơn thuần, nguyên nhân chậm nói hơn 80% do yếu tố tâm lý xã hội. Thời gian nghỉ ở nhà do dịch COVID-19, cha mẹ do bận rộn nên ít tương tác, giao tiếp với trẻ; đồng thời, tâm lý sợ trẻ quậy phá nên để trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử.

Bác sĩ Phạm Thanh Huyền, bác sỹ Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thái Nguyên cho biết: "Ông bà chỉ chăm sóc được phần dinh dưỡng, còn bố mẹ phải là người quan tâm sát sao nhất, nói chuyện với con nhiều hơn, giảm tivi, điện thoại tối đa. Bố mẹ phải tìm hiểu thêm các trang web mà phụ huynh của trẻ tự kỷ đã đăng bài lên, chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn; phải tương tác trao đổi với các cô giáo để các cô tư vấn thêm".

Theo các chuyên gia, chậm nói ở trẻ cần được phát hiện và can thiệp sớm, nếu để trạng thái này kéo dài sẽ khiến trẻ phải đương đầu với nguy cơ tăng động, tư duy logic tiếng nói của trẻ bị giảm thiểu, thậm chí tự kỷ. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên quan tâm và hướng con em mình đến các hoạt động ngoài trời, tập thể, tương tác nhiều hơn để trẻ phát triển một cách toàn diện./.