Hát Văn trên đất chè
Ông Mông Đông Vũ, nguyên Trưởng đoàn Chèo Thái Nguyên (1995-2001) chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ về tác phẩm “Duyên nợ ba sinh”.

Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, Đoàn Chèo Thái Nguyên, một đơn vị vốn chưa được đánh giá cao đã tạo một tiếng vang lớn trong làng chèo với Huy chương Vàng dành cho tác phẩm “Duyên nợ ba sinh”. Với ông Mông Đông Vũ, nguyên Trưởng đoàn Chèo Thái Nguyên (1995-2001) lúc đó, quyết định dựng và mang vở chèo này đi dự thi là cả một câu chuyện đáng nhớ. Ông Mông Đông Vũ chia sẻ: "Ở thời điểm đó, người ta nhận thức chưa đúng về cung văn, về hầu đồng và đạo thờ Mẫu của người Việt. Vở chèo này chúng tôi làm trong 8 tháng. Kết quả hội diễn, vở chèo “Duyên nợ ba sinh” đạt số điểm rất cao. Yếu tố tôi cho rằng quan trọng đó là hát chầu văn".

Không chỉ tôn vinh, làm sống lại giá trị đích thực của hát Văn trên sân khấu chuyên nghiệp, ông Vũ cũng là một trong những người đưa hát Văn đến gần, gắn kết cùng văn hóa trà Thái Nguyên. Ông Mông Đông Vũ, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Một loại hình hỗ trợ cho việc uống trà đó là cung văn; người đến thưởng trà có thể ngồi 3-4 tiếng không chán".

Hát Văn trên đất chè
Hát Văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, mà còn có thêm sức sống mới, ca nhạc dân gian vui tươi, lành mạnh.

Hát Văn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đan quyện cả yếu tố tín ngưỡng lẫn văn hóa. Và hát Văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong nghi lễ tín ngưỡng ấy, mà còn có thêm sức sống mới, ca nhạc dân gian vui tươi, lành mạnh.

Nghệ sĩ Ưu tú Minh Thu, Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Với trách nhiệm của một nghệ sĩ, mỗi khi hát chầu văn để truyền tải đến khán thính giả; tôi muốn lan tỏa những niềm vui, hạnh phúc và giá trị đích thực của nghệ thuật hát Văn"

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - nghệ thuật của hát chầu văn một cách có hiệu quả cần hiểu rõ, hiểu sâu sắc về những giá trị ở nhiều góc độ khác nhau, đem lại đời sống văn hóa đích thực, gần gũi của hát văn trong xã hội đương đại. Đó cũng là một cách mà đất và người Thái Nguyên trân trọng, chung tay gìn giữ những di sản văn hóa của dân tộc./.