Gỗ hợp pháp “rộng cửa” vào thị trường EU
Ngày 11/5/2017, Việt Nam và EU đã ký tắt kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện về Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT). Trong quá trình đàm phán, định nghĩa “Gỗ hợp pháp” là một vấn đề không dễ, bởi “gỗ hợp pháp” được hiểu là toàn bộ chuỗi cung ứng tạo ra sản phẩm đều phải tuân thủ đúng pháp luật của nước sở tại.
Đúng luật ngay từ khâu trồng rừng
Muốn xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào thị trường EU, các DN Việt Nam phải chứng minh được sản phẩm đó được làm từ gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Việt Nam có hai nhóm đối tượng là “tổ chức” (bao gồm các tổ chức, DN hay hợp tác xã). Nhóm thứ hai là “hộ gia đình” (bao gồm các hộ cá thể, cá nhân, và cộng đồng thôn cư) tham gia thực hiện chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ.
Gỗ được ghi rõ nguồn gốc xuất xứ trong các công đoạn quản lý và sản xuất. |
Khi VPA có hiệu lực, DN muốn xuất khẩu các sản phẩm gỗ hợp pháp vào thị trường EU sẽ được cấp phép FLEGT theo từng lô hàng.
Theo bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển: Mỗi nhóm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hay DN đều phải tuân thủ 7 nguyên tắc. Đó là: Khai thác gỗ trong nước tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, sử dụng rừng, quản lý, môi trường và xã hội; Các quy định về xử lý gỗ tịch thu; Quy định về nhập khẩu gỗ.
Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về vận chuyển, mua bán gỗ, các nhó đối tượng còn phải tuân thủ các quy định về chế biến gỗ và quy định về xuất khẩu. Ngoài ra, DN phải tuân thủ các quy định về thuế và người lao động. Còn hộ gia đình tuân thủ các quy định về thuế.
“Trong toàn bộ chuỗi cung ứng tạo ra sản phẩm gỗ hợp pháp, chỉ cần một khâu nào đó không hợp pháp thì cũng không được cấp phép FLEGT,vì EU không coi sản phẩm gỗ đó là hợp pháp. Chẳng hạn, chỉ cần một lô gỗ được khai thác từ đất rừng không hợp pháp thì không được gọi là gỗ hợp pháp. Hoặc sản phẩm gỗ đó làm ra nhưng không nộp thuế đầy đủ theo quy định, thì cũng không được coi là hợp pháp” - Bà Liên dẫn chứng.
Mặt hàng gỗ của Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm qua, ước năm 2017 đạt khoảng 7,6 -7,8 tỷ USD. Việt Nam trở thành nước đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ; đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á. (TC Lâm nghiệp)
Theo các DN, những quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay như một “rừng văn bản” nên DN thường chỉ quan tâm những quy định liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình. Không ít văn bản vừa ra đời được thời gian ngắn đã bị thay thế, chưa kể còn có nhiều hướng dẫn của sở, ngành chuyên môn.
“Chúng tôi luôn cần sự trợ giúp thường xuyên của các cơ quan chức năng như Kiểm lâm, Công thương, Thuế … và Hiệp hội gỗ để tuân thủ đúng pháp luật, vì bản thân không thể cập nhật hết những thông tin mới” - GĐ Công ty TNHH Tuấn Vượng (Lâm Đồng) mong muốn.
Gỗ nhập khẩu thế nào là hợp pháp?
Trong trường hợp gỗ nhập khẩu, thì phải được khai thác, chế biến và xuất khẩu theo đúng quy định của pháp luật nước khai thác (bao gồm quyền khai thác, hoạt động lâm nghiệp, thuế, phí, thương mại và hải quan).
Theo Giám đốc kỹ thuật Trung tâm Con người và Môi trường thiên nhiên khu vực Tây Nguyên, Phan Triều Giang: VPA của Việt Nam không những chỉ đề cập tính hợp pháp của gỗ của Việt Nam mà cả gỗ Việt Nam nhập khẩu từ gần 80 nước trên thế giới. VPA yêu cầu nhà nhập khẩu Việt nam cần làm trách nhiệm giải trình để đánh giá tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ mà họ nhập khẩu.
Không chỉ thu thập thông tin từ nhà cung cấp ở các nước khác, các nhà nhập khẩu Việt Nam sẽ phải phân tích thông tin để xác định rủi ro về gỗ bất hợp pháp và có các biện pháp giảm thiểu rủi ro nhập gỗ bất hợp pháp.
“Khi VPA được thực thi không chỉ đảm bảo toàn bộ gỗ Việt Nam nhập sang EU là hợp pháp, mà còn nâng cao tiêu chuẩn trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ 80 nước đang cung ứng gỗ cho Việt Nam” - ông Giang nói.
Còn theo Tổng cục Lâm nghiệp, bên cạnh các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường gắn với việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, việc cấp phép FLEGT cũng sẽ đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch đối với các nhà nhập khẩu ở EU. Các DN có thể đưa các sản phẩm gỗ vào thị trường này mà không phải giải trình theo Quy chế Gỗ của EU đang có hiệu lực.
Mặt khác, khi được cấp phép FLEGT, DN Việt sẽ có nhiều thuận lợi trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như mở rộng thị phần tại các quốc gia EU./.