Tài liệu do TS. Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử - Văn phòng Quốc hội biên soạn.

Thainguyentv.vn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc:

1. LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI QUA CÁC THỜI KỲ

Một vấn đề đặt ra với bất kỳ nhà nước nào là thành lập Quốc hội, cơ quan đại diện cho nhân dân. Chính vì vậy, ngày 2 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc tuyên bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”, ngay sau đó, ngày 03/9/1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội.

Ngày 08/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội; ngày 17 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 51/SL ấn định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử.

Giới thiệu Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”. Nguyên lý này tồn tại xuyên xuốt qua các Luật bầu cử.

Tính từ Quốc hội khóa I, Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đã khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đến nay đã 74 năm chúng ta có tổng cộng 14 cuộc bầu cử, tương ứng với 14 khóa Quốc hội.

Năm

Văn bản quy định

Khóa Quốc hội

Điểm nhấn

1945

Sắc lệnh số 14/SL

1946

Hiến pháp

Khóa I

- Tổng tuyển cử cả ĐBQH và ĐB HĐND

- Dài nhất 14 năm

1959

Hiến pháp

Luật

1960

Khóa II

1964

Khóa III

Kéo dài nhiệm kỳ 7 năm

1971

Khóa IV

1975

Khóa V

Ngắn nhất tròn 1 năm

1976

Khóa VI

Quốc hội đất nước thống nhất

1980

Hiến pháp

Luật

1981

Khóa VII

1987

Khóa VIII

1992

Hiến pháp

Luật

Khóa IX

1997

Luật

Khóa X

2002

Khóa XI

2007

Khóa XII

Rút ngắn 1 năm

2011

Khóa XIII

2013

Hiến pháp

2015

Luật

2016

Khóa XIV

Sắc lệnh 51 mặc dù được ban hành hơn 1 tháng sau Tuyên ngôn độc lập ngày 02 tháng 9 năm 1945 nhưng Sắc lệnh khá hoàn chỉnh với 70 Điều (Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 có 98 Điều), quy định khá đầy đủ các bước về quyền bầu cử và ứng cử, vận động bầu cử, đơn vị bầu cử (mỗi tỉnh là 1 đơn vị bầu cử), danh sách ứng cử, danh sách cử tri, tổ chức phụ trách bầu cử, ngày bầu cử, kiểm phiếu, khiếu nại.

Một số nội dung cơ bản được giữ và phát triển qua các văn bản luật về bầu cử:

- Việc phân cơ cấu đại biểu đã bắt đầu có từ Sắc lệnh số 51, với việc quy định các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh đông đồng bào dân tộc thiểu số. Ví dụ: Tỉnh Sơn La, được bầu 2 đại biểu, trong đó 1 đại biểu chung cho Việt Nam và dân tộc thiểu số, 1 đại biểu dân tộc Thái đen. Tỉnh Cao Bằng được bầu 4 đại biểu, trong đó 1 đại biểu chung cho Việt Nam và dân tộc thiểu số, 1 đại biểu dân tộc Mãn, 1 đại biểu dân tộc Nùng, 1 đại biểu dân tộc Thổ.

Các Luật bầu cử đại biểu Quốc hội sau này đều quy định dự kiến cơ cấu đại biểu dân tộc thiểu số và các cơ cấu khác.

- Đảm bảo nguyên tắc bầu cử tự do, dân chủ, bỏ phiếu kín, không có sự phân biệt.

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên năm 1959 đã xác nhận quy trình bầu cử đặc trưng riêng có của Việt Nam, đó là việc hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc. Quy trình này được hoàn thiện qua các Luật bầu cử sau này.

II. LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN NĂM 2015

Trong phạm vi trình bày, tài liệu tập trung vào các quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội, đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ giới thiệu sơ lược.

1. Mô hình quy trình bầu cử:

Giới thiệu Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội
Giới thiệu Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội

2. Các cơ quan, tổ chức liên quan tới bầu cử:

Giới thiệu Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức

3.1. UBTVQH với việc dự kiến và điều chỉnh cơ cấu, thành phần

- Giám sát công tác bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND

- Ban hành một số văn bản hướng dẫn bầu cử

3.2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc hiệp thương

* Hiệp thương lần 1:

- Ở Trung ương: Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử.

- Ở tỉnh: Ban thường trực UBTWMTTQVN cấp tỉnh thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

* Hiệp thương lần 2:

- Ở Trung ương: Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở trung ương.

- Ở tỉnh: Ban thường trực UBTWMTTQVN cấp tỉnh lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương.

* Hiệp thương lần 3:

- Ở Trung ương: Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở trung ương.

- Ở tỉnh: Ban thường trực UBTWMTTQVN cấp tỉnh lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương.

* Ban hành một số văn bản hướng dẫn bầu cử

3.3. Các tổ chức phụ trách bầu cử:

Hội đồng bầu cử Quốc gia

1. Ấn định và công bố số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.

2. Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến.

3. Gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thực hiện việc hiệp thương. Giới thiệu và gửi hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương, giới thiệu để về ứng cử tại các tình, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử; xóa tên người ứng cử trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

5. Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành, phố trực thuộc trung ương, Ban bầu cử; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước.

6. Quyết định việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu Quốc hội hoặc hủy bỏ kết quả bầu cử và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

7. Xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước; xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội.

8. Trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; chuyển giao hồ sơ, khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội.

10. Quy định mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, các mẫu văn bản khác sử dụng trong công tác bầu cử

* Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp trong giám sát, kiểm tra công tác bầu cử

Ủy ban bầu cử ở tỉnh

a) Chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội ở các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử;

b) Chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương;

c) Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương;

d) Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và hồ sơ của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương; gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để tiến hành hiệp thương; gửi hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia;

đ) Lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo đơn vị bầu cử và báo cáo để Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định;

e) Chỉ đạo, kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri;

g) Nhận tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và phân phối cho các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử;

h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội do Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử chuyển đến; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội;

i) Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; lập biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương;

k) Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia;

l) Chuyển hồ sơ, biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng bầu cử quốc gia;

m) Tổ chức việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu Quốc hội theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội

a) Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử của các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử;

b) Kiểm tra, đôn đốc việc lập, niêm yết danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử ở các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử;

c) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bố trí các phòng bỏ phiếu và công việc bầu cử ở các phòng bỏ phiếu;

d) Nhận và phân phối tài liệu, phiếu bầu cử cho các Tổ bầu cử chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử;

đ) Nhận, tổng hợp và kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử; lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử;

e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử của các Tổ bầu cử và khiếu nại, tố cáo về bầu cử do các Tổ bầu cử chuyển đến; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

g) Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo hướng dẫn, yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc theo yêu cầu của Ủy ban bầu cử cùng cấp;

h) Chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh; chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Ủy ban bầu cử cùng cấp;

Tổ bầu cử

a) Phụ trách công tác bầu cử trong khu vực bỏ phiếu;

b) Bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu;

c) Nhận tài liệu và phiếu bầu cử từ Ban bầu cử; phát thẻ cử tri, phiếu bầu cử có đóng dấu của Tổ bầu cử cho cử tri;

d) Thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử;

đ) Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bầu cử và nội quy phòng bỏ phiếu;

e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử quy định tại Điều này; nhận và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, khiếu nại, tố cáo khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổ bầu cử;

g) Kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử để gửi đến Ban bầu cử tương ứng;

h) Chuyển biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử và toàn bộ phiếu bầu cử đến Ủy ban nhân dân cấp xã khi kết thúc việc kiểm phiếu;

i) Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của các tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên;

Hệ thống tổ chức phụ trách bầu cử:

Giới thiệu Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội
Giới thiệu Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội

* Mỗi một kỳ bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia có thể thành lập các tiểu ban khác nhau. Trên đây là Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

4. Cơ cấu đại biểu Quốc hội: Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến các cơ cấu đại biểu như sau:

4.1. Số lượng đại biểu ở mỗi tỉnh, thành phố:

Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở sau đây:

- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương;

- Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là năm trăm người.

4.2. Cơ cấu trung ương và địa phương:

Trên cơ sở số lượng đại biểu được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố và tổng số đại biểu Quốc hội ở Trung ương và địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ mỗi tỉnh được bầu số lượng đại biểu trung ương và đại biểu địa phương.

Ví dụ: Tỉnh Cao Bằng được bầu 6 đại biểu, trong đó có 2 đại biểu Trung ương và 4 đại biểu địa phương.

4.3. Cơ cấu theo cơ quan, đơn vị:

* Việc dự kiến cơ cấu theo cơ quan, đơn vị được chi thành hai nhóm: ở trung ương và ở địa phương (có thể mỗi nhiệm kỳ có dự kiến cơ cấu khác nhau)

- Ở Trung ương thường có các khối: Cơ quan Đảng; Cơ quan Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách công tác ở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội); Cơ quan Chính phủ; Cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch nước; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước; Bộ Công an và Bộ Quốc phòng (thường tới quân chủng và quân khu); doanh nghiệp.

- Ở địa phương thường có: 2 cơ cấu bắt buộc phải có ở mỗi tỉnh, thành phố là Lãnh đạo chủ chốt; đại biểu Quốc hội chuyên trách. Các cơ cấu khác được phân bổ theo từng tỉnh, thành phố là Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Sở Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc (gồm cơ quan Mặt trận, các Hội, Đoàn thanh niên), doanh nghiệp, trường đại học …

* Song song với cơ cấu về cơ quan, đơn vị công tác, còn có cơ cấu kết hợp cũng cần đảm bảo, thường gồm các cơ cấu sau (Tùy từng nhiệm kỳ có thể có cơ cấu kết hợp khác nhau):

- Phụ nữ

- Dân tộc thiểu số

- Trẻ tuổi (dưới 40 tuổi)

- Đảng viên và không đảng viên.

- Tái cử

5. Phân bổ đại biểu Trung ương về địa phương:

Hội đồng bầu cử Quốc gia giới thiệu đại biểu Trung ương về ứng cử ở các địa phương (Thường do Tiểu ban phụ trách về công tác nhân sự tham mưu). Hai kỳ bầu cử gần đây, Hội đồng bầu cử Quốc gia ban hành nguyên tắc giới thiệu đại biểu trung ương về ứng cử ở các địa phương.

6. Nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách:

Việc chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách thuộc thẩm quyền của Đảng đoàn Quốc hội/Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để giúp cho công tác chuẩn bị nhân sự này là Tổ đảng Hội đồng dân tộc/Thường trực Hội đồng dân tộc, Tổ đảng Ủy ban/Thường trực Ủy ban, lãnh đạo Ban Dân nguyện, lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cùng với Ban Công tác đại biểu làm đầu mối phối hợp.

7. Cơ quan giúp việc trong công tác bầu cử:

Giúp việc cho Hội đồng bầu cử quốc gia là:

- Các tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, các tiểu ban sử dụng các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm cơ quan thường trực.

- Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia

Thường trực giúp việc cho Ủy ban bầu cử tỉnh/thành phố thông thường là Sở Nội vụ, có một số địa phương sử dụng Văn phòng Hội đồng nhân dân./.