Gìn giữ điệu then ở cộng đồng dân cư
Một buổi tập luyện đàn tính hát then tại nhà văn hóa xóm Bằng Ninh.

Để có được một không gian sinh hoạt văn nghệ và thu hút được các bà, các chị tham gia thường xuyên, bằng tâm huyết của mình, chị Chu Hải Hậu - một cán bộ hội phụ nữ ở xã Yên Ninh, huyện Phú Lương đã gây dựng được một mô hình ý nghĩa, truyền đạt lại những kiến thức kỹ năng đã được đào tạo về hát then đàn tính. Cứ vào tối thứ 3, thứ 7 hàng tuần, những bà, những chị em người Tày - Nùng ở xã Yên Ninh lại cùng nhau tập luyện câu then tiếng tính tại nhà văn hóa xóm Bằng Ninh.

Bà Hà Thị Tình, xóm Bằng Ninh, xã Yên Ninh, Phú Lương chia sẻ: "Tuổi cao học hát then hơi chậ, không được nhanh đâu, nhưng mà theo sở thích của mình học để biết bản sắc dân tộc"

Bà Trần Thị Ký, xóm Đồng Phủ 1, xã Yên Ninh vui vẻ: "Tôi thích nghe môn hát then này vì ngày xưa chồng tôi cũng là nghệ nhân hát then. Bây giờ cao tuổi rồi nhưng tôi vẫn thích vẫn hâm mộ bộ môn này, cho nên cũng học đàn then và cũng thuộc khá khá nhiều bài rồi đấy".

Dù mới duy trì được hơn 3 tháng gần đây, trong khi đa số các thành viên đều không thạo nhạc lý, nhưng mỗi người đều rất ý thức trong việc học đàn, học hát khi các kỹ thuật sử dụng đàn tính, cách hát được thực hiện theo lối cầm tay chỉ việc, với sự tận tình của người truyền dạy.

Gìn giữ điệu then ở cộng đồng dân cư

Chị Chu Hải Hậu - Người dạy đàn tính hát then, xã Yên Ninh cho biết: "Qua thời gian tập luyện thì các cô cũng dần hiểu và cũng dễ cảm nhận được nhịp phách và sau ở khâu thực hành thì cũng rất là nhanh".

Cùng lan tỏa điệu then, tiếng tính, trước hết là vì niềm đam mê khôi phục nét văn hóa của dân tộc, việc duy trì sinh hoạt những lớp truyền dạy như thế sẽ là cơ sở để tiến tới thành lập các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, tham gia biểu diễn tại sự kiện của địa phương, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa cộng đồng.