Với nhiều hình thức như thông qua các bài nói chuyện của các Cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử ...hoặc thăm viếng các di tích lịch sử cách mạng. Đó là phương pháp đã và đang được trường THCS Đắc Sơn , thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên áp dụng nhằm giáo dục cho các em học sinh lòng yêu quê hương đất nước, tự hào với truyền thống cách mạng của địa phương.

Em Trần Mai Trang lớp 8 A, trường THCS Đắc Sơn, Phổ Yên, Thái Nguyên nói: "Qua các bài học chuyển tải từ các thầy cô giáo cộng với việc đi tham quan các di tích lịch sử, kiến thức được tiếp thu thực tế và đến với em dễ dàng hơn".

Giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh cùng những đạo lý về đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… là vô cùng quan trọng trong nội dung giáo dục của các nhà trường để hình thành nên phẩm chất cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Hiện nay, có nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã lồng ghép giáo dục truyền thống vào những tiết học trải nghiệm thực tế.

Giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh - khơi dậy tình yêu quê hương
Trường THCS Đắc Sơn với hoạt động ngoại khóa tại đền Lục Giáp, Đắc Sơn, Phổ Yên, Thái Nguyên

Cô giáo Đặng Thị Thanh Huyền giáo viên trường THCS Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên chia sẻ: " Đối với nhà trường thì nơi đây cũng là nơi các thầy cô giáo thường xuyên đưa các em học sinh đến để trải nghiệm thực tế trong các bài học lịch sử. Khi tìm hiểu về địa phương mình các em sẽ được mắt thấy tai nghe và từ đó bài học sẽ đi vào tâm trí của các em tự nhiên và sâu đậm hơn".

Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục lịch sử địa phương cho các em học sinh trong tình hình dịch bệnh vẫn còn đang gặp trở ngại và bị hạn chế. Nhưng không thể phủ nhận đây là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn ở thế hệ trẻ.

Ông Lê Văn Bẩy, chủ tịch UBND xã Đắc Sơn, Thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên khẳng định: "Ngoài lý thuyết học qua sách vở trên lớp, chúng tôi cũng phối hợp với nhà trường cho các em học sinh có bài học trực quan rõ ràng hơn để cho các cháu nắm bắt rõ ràng phát huy tốt tinh thần văn hóa dân tộc của chúng ta."

Giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh - khơi dậy tình yêu quê hương
Các học sinh trường THCS Đắc Sơn thực hiện nghi lễ trước khi vào Đền Lục Giáp

Giáo dục truyền thống và định hướng lý tưởng cho học sinh để từ đó, mỗi học sinh tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử và tự hào về những giá trị truyền thống ở quê hương mình.