Giao ban trực tuyến - lựa chọn tất yếu
Gần 5.700 cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện Đại Từ tại 33 điểm cầu học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp

Thay vì tổ chức những hội nghị tập trung tại nhiều đơn vị với các thời điểm khác nhau, chỉ với 1 lần tổ chức họp trực tuyến hồi đầu tháng 12/2020 như thế này gần 5.700 cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện Đại Từ tại 33 điểm cầu đã đồng loạt được học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp giúp tiết kiệm thời gian, cũng như chi phí.

Ông Nguyễn Kim Chinh, Chủ tịch UBND xã Phú Lạc, huyện Đại Từ cho biết: “Ngày trước khi triển khai, tiếp nhận các nghị quyết, các chương trình thì mỗi xã phải tổ chức 1-2 lớp để phổ biến, tuyên truyền thì bây giờ không phải làm thế nữa”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên khẳng định: “Ngoài việc tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức lớp học ra thì nó còn mang lại hiệu quả là những người tiếp thu là những người trực tiếp triển khai tuyên truyền để chương trình hành động đó nó sát với thực tế. Và thông qua đó, có sự thông tin, phản hồi 2 chiều”.

Với mục tiêu hiện đại hoá nền hành chính, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình số hoá, năm 2020, huyện Đại Từ đã đầu tư gần 6 tỷ đồng để hoàn thiện lắp đặt 33 phòng họp truyền hình có đầy đủ thiết bị, hạ tầng đường truyền internet hoàn chỉnh tại 30 xã, thị trấn, văn phòng Huyện ủy, Công an huyện và đơn vị Ban chỉ huy quân sự huyện.

Giao ban trực tuyến - lựa chọn tất yếu
Hiệu quả từ hoạt động của mô hình phòng họp giao ban trực tuyến là cơ sở, nền tảng quan trọng để huyện Đại Từ thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số

Ông Chu Tất Lợi, Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ cho biết: “Truyền hình trực tuyến được triển khai từ huyện đến các xã đã mang lại hiệu quả rất tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ cấp huyện đến cấp xã. Đặc biệt với thị trấn Hùng Sơn, với địa bàn đông dân cư cũng như đông tổ dân phố”.

Thay vì tập trung theo cách truyền thống, giờ đây, việc tổ chức các hội nghị với quy mô cấp huyện đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, kể cả những trường hợp đột xuất. Đặc biệt, khi phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa phải phòng chống dịch COVID-19 vừa phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH thì việc họp trực tuyến là lựa chọn tối ưu.

Ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: “Chúng tôi đã triển khai việc kết nối trong đó huyện đã tăng cường hoạt động giao dịch qua mạng qua trực tuyến, hệ thống phòng hợp trực tuyến. Phấn đấu đến năm 2021 sẽ có trên 80% các thủ tục hành chính sẽ được thực hiện qua mạng dịch vụ công trực tuyến”.

Những hiệu quả mang lại từ hoạt động của mô hình phòng họp giao ban trực tuyến chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để huyện Đại Từ thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số của huyện nói riêng và của tỉnh Thái Nguyên nói chung. Đây cũng là cơ sở và là động lực để huyện Đại Từ hiện thực hóa mục tiêu trở thành địa phương phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong tương lai./.