Giảm phát thải môi trường hướng tới tăng trưởng bền vững
Công ty Cổ phần Prime Phổ Yên sử dụng vụn gỗ, mùn gỗ cho lò đốt

Trở thành cứ điểm của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, quan điểm kinh doanh đi liền với bảo vệ môi trường đã trở thành cam kết bắt buộc trong thu hút đầu tư của chính quyền tỉnh Thái Nguyên. Và chính điều này cũng đòi hỏi tự thân mỗi doanh nghiệp phải thích ứng.

Lò đốt có vai trò quan trọng tạo nhiệt trong quy trình nung, sản xuất gạch, nhưng nếu cứ dùng nhiên liệu than cho lò đốt cũng không phải là phương án lâu dài vì sinh ra bụi, ô nhiễm trong quy trình sản xuất. Công ty Cổ phần Prime Phổ Yên đã mạnh dạn chuyển đổi hoàn toàn sử dụng than sang sử dụng vụn gỗ, mùn gỗ cho lò đốt.

Ông Nguyễn Văn Diên, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Prime Phổ Yên cho biết: "Công ty đã giảm được 30% phát thải khí C02, hướng tới năm 2025 chúng tôi tiếp tục sử dụng nguồn gỗ để tạo ra sinh khí".

Giảm phát thải môi trường hướng tới tăng trưởng bền vững
Đã có 15 cơ sở với 31 nguồn thải trên toàn tỉnh hoàn thiện việc lắp đặt và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường

Thực tế thì để sản xuất xanh, sạch doanh nghiệp cần phải tiêu tốn một khoản kinh phí không nhỏ để đầu tư cho khâu xử lý chất thải, khí thải. 3 năm trở lại đây, Công ty CP xi măng La Hiên đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động. Đến nay, 7 chỉ số tác động tới môi trường được kiểm soát chặt chẽ, giúp đơn vị kịp thời điều chỉnh để giảm phát thải trong quá trình sản xuất.

Ông Lê Bá Chức, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng La Hiên chia sẻ: "Để đảm bảo cho quá trình quan trắc hoạt động ổn định, chúng tôi chuẩn bị các vật tư thay thế, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời... những vị trí có khả năng phát sinh bụi chúng tôi lắp thêm hệ thống lọc bụi để giảm thiểu phát thải ra môi trường".

Thái Nguyên hiện có khoảng trên 8 nghìn doanh nghiệp. Việc thu hút đầu tư và phát triển các khu, cụm công nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, đi cùng với đó, quá trình công nghiệp hóa cũng tác động không nhỏ tới môi trường. Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường nhiều giải pháp đối với vấn đề này. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động theo quy định của luật bảo vệ môi trường để kịp thời phát hiện, khắc phục, xử lý vi phạm. Hiện đã có 15 cơ sở với 31 nguồn thải trên toàn tỉnh hoàn thiện việc lắp đặt và truyền dữ liệu về sở.

Bà Hoàng Thị Liên, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Để thực hiện đề án của Chính phủ về giảm thiểu phát thải khí, trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, chúng tôi tiếp tục tham mưu thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và Chỉ thị về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. UBND các cấp cũng như các sở, ngành cũng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường các hoạt động giám sát tình trạng xả thải của các doanh nghiệp, để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm đối với hành vi xả thải trái phép".

Hướng tới mục tiêu chung của Chính phủ, ngành chức năng cũng đang tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí theo quy định. Trong đó có nhiệm vụ điều tra, thống kê, đánh giá tình trạng sản xuất, quy mô phát thải, mức độ ảnh hưởng tới môi trường để đề xuất giải pháp quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong giảm phát thải. Bởi đó mới chính là yếu tố quan trọng, là giải pháp then chốt nhằm giải quyết áp lực về môi trường do tác động của quá trình công nghiệp hóa hiện nay./.