Giảm nghèo từ nguồn tín dụng chính sách
Từ nguồn vốn chính sách tín dụng, anh Ma Văn Hào đã đầu tư nuôi bò.

Gia đình anh Ma Văn Hào, đã từng là hộ nghèo của xóm Bản Vèn. Năm 2016, gia đình anh được Hội Nông dân hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Với 50 triệu đồng vốn vay, anh Hào đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng chính sách, kinh tế gia đình anh Hào ngày càng vững vàng hơn.

Anh Ma Văn Hào tâm sự: “Gia đình khó khăn, là hộ nghèo của xóm, vay Ngân hàng Chính sách đến năm 2019 thì lên cận nghèo, đến năm nay 2021 thì thoát nghèo hoàn toàn”.

Còn đối với gia đình ông La Văn Quỳnh, ở xóm Nà Trú, nguồn vốn tín dụng chính sách chính là đòn bẩy vực dậy kinh tế gia đình sau thất bại không mong muốn từ mô hình phát triển kinh tế trước đây của gia đình.

Ông La Văn Quỳnh chia sẻ: “Lúc mà xảy ra dịch bệnh chết hết cá của gia đình, rồi lợn, thời điểm đấy, gia đình thiếu vốn. Bây giờ, được nguồn vốn này, tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Chính sách tạo điều kiện cho gia đình tôi đến bây giờ khôi phục lại”.

Giảm nghèo từ nguồn tín dụng chính sách

Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã Linh Thông chiếm trên 41%. Đến cuối năm 2020, giảm còn 18,6%, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây từng bước nâng lên rõ rệt. Kết quả này có phần góp sức không nhỏ của việc duy trì liên tục dòng chảy nguồn tín dụng chính sách xã hội.

Ông Ma Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Thông, Định Hóa, cho biết: “Từ nguồn vốn đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm được rõ rệt. Mức thu nhập bình quân tăng lên”.

Có được kết quả này, một phần chính từ việc triển khai hiệu quả các chương trình vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây chính là nguồn lực kịp thời tiếp sức cho người dân vùng khó và cũng là để tạo kế sinh nhai.