Giá thực phẩm chăn nuôi biến động – nguyên nhân và giải pháp
Giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục nhưng giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn giảm chưa tương xứng

Mặc dù giá lợn hơi đã hạ xuống thấp kỷ lục nhưng do phải qua nhiều khâu trung gian nên giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn giảm chưa tương xứng. Theo ghi nhận tại một số chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, thịt lợn ba chỉ hiện có giá 70 nghìn đồng đến100 nghìn đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Hương, Phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên cho rằng: “Người chăn nuôi người ta cũng vất vả. Nuôi được con lợn mà lúc bán giá rẻ quá”.

Chị Nguyễn Thị Tính, Tiểu thương Chợ Thái, TP Thái Nguyên chia sẻ: “Bọn chị vào lò mua lại. Giá 63 móc hàm. Thịt nạc là 80 nghìn/kg”.

Một thực tế nữa là từ đầu năm đến nay, giá cám vẫn ở mức cao, khoảng trên 12.000 vnd/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi hiện đang được thương lái thu mua với giá từ 32-38 nghìn đồng/kg. Điều này có nghĩa là người chăn nuôi sẽ thua lỗ khá nặng.

Nguyên nhân là do dịch COVID-19 khiến việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, thị trường xuất khẩu thịt lợn chính của nước ta cũng đang trong tình trạng dư thừa, giá bán giảm mạnh. Người nông dân sẽ bị lỗ nặng và họ vẫn đang loay hoay làm thế nào để có một quy trình chăn nuôi khép kín, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của họ.

Một nguyên nhân nữa khiến người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao là do có quá nhiều khâu trung gian phân phối ra thị trường, dẫn đến chưa hài hòa lợi ích giữa 3 khâu sản xuất, cung ứng và tiêu dùng. Thực tế này đòi hỏi cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa các mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Hợp tác xã Chăn nuôi xanh, Tổ dân phố Pha, TP Sông Công nêu ý kiến: “Để ổn định được chăn nuôi thì chắc chắn phải có những chuỗi khép kín. Tức là khâu người chăn nuôi đến tận bán lẻ cho người tiêu dùng, được chia công bằng cho tất cả. Vì hiện tại người chăn nuôi vất vả, thiệt đơn, thiệt kép nhưng thu nhập thấp, còn người làm khâu trung gian thì thu lãi cao”.

Đợt lên xuống giá này một lần nữa cho thấy, chỉ khi các chuỗi được hình thành, với việc rút ngắn các khâu trung gian từ chăn nuôi đến vận chuyển, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ, lợi ích sẽ được chia sẻ với các đối tượng trong chuỗi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.