Giá thép tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm - đã psts 11.5
Từ cuối năm 2020, giá thép xây dựng liên tục trong tình trạng tăng giá và hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Hiện nay, hàng loạt thương hiệu thép trong nước đã điều chỉnh tăng mạnh giá bán các sản phẩm ở mức cao nhất trong 30 ngày qua, dao động từ 17.000-17.600 đồng/1kg. Rất nhiều yếu tố chi phối khiến giá thép tăng cao.

Ông Lê Thành Thực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng cho hay: "Nhiều nguyên liệu sản xuất chính như: quặng sắt, thép phế tăng đến hơn 2 lần so với cùng kỳ, phần lớn nguyên liệu sản xuất thép của trong nước Việt Nam vẫn nhập khẩu của thế giới nên ảnh hưởng đến ngành thép trong nước; nguyên nhân thứ hai dẫn đến giá thép cũng như nguồn cung thiếu hụt là do một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong nước đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nguyên liệu bán thành phẩm ra nước ngoài, dẫn đến trong nước thiếu hụt nguồn cung".

Giá thép tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm - đã psts 11.5
Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, giá thép tháng 4 đã tăng khoảng 30-40% so với quý IV năm 2020.

Trước tác động của việc tăng giá thép, một số hợp đồng của Doanh nghiệp Xuân Trường đã buộc phải hủy bỏ. Tuy nhiên, việc thép tăng giá chưa tác động quá lớn đến sản xuất của doanh nghiệp, bởi tác động của dịch COVID-19, đơn vị đã tồn kho 1 lượng thép khá lớn và hiện doanh nghiệp đang sử dụng lượng thép tồn kho này làm nguyên liệu sản xuất.

Anh Nguyễn Minh Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Thép Xuân Trường cho biết: "Giá thép tăng chúng tôi nhập hàng ít hơn, cầm chừng hơn, không nhập nhiều, nhưng Công ty vẫn đạt kết quả kinh doanh tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái".

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, giá thép tháng 4 đã tăng khoảng 30-40% so với quý IV năm 2020. Đà tăng giá các sản phẩm thép cũng được Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo sẽ tiếp diễn trong tháng 5, với mức tăng có thể chạm ngưỡng 45%; tác động mạnh tới giá thành và tiến độ xây dựng các dự án khiến hiệu quả xây dựng các công trình của người dân và nhà thầu giảm khá mạnh.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Thị trường thép từ đầu năm đến nay tăng giá gấp đôi sẽ làm cho những doanh nghiệp đã có hợp đồng dự án xây dựng, bây giờ tăng giá vật liệu vấn đề là sẽ có thương thảo với nhau như thế nào, đồng thời đội giá thành lên như thế nào?"

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép tại Thái Nguyên, bên cạnh việc tăng cường năng lực sản xuất, nhiều giải pháp phù hợp và sát với tình hình thực tế đã được Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng triển khai hiệu quả nhằm đảm bảo sự tăng trưởng ổn định cho đơn vị.

Ông Lê Thành Thực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng cho biết thêm: "Công ty Thái Hưng đã phải tìm kiếm mọi nguồn bù đắp cho khách hàng, điều tiết sản phẩm ra các vùng miền khác nhau như: mang thép từ miền Bắc vào miền Nam cho khách hàng, hoặc từ miền nam ra miền trung hoặc ra các hải đảo; điều tiết giảm hoạt động xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước cho khách hàng".

4 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu sắt thép của Việt Nam đạt gần 5,1 triệu tấn tương đương 3,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 37% so với cùng kỳ. Nhu cầu thép trên thế giới tăng cao, song nguồn cung sản phẩm và nguồn nguyên liệu sản xuất lại gặp khó, khiến giới chuyên gia cho rằng giá thép có thể đạt đỉnh trong năm 2021.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Tôi nghĩ rằng giá thép lần này rất khó xuống, tôi có khảo sát 1 số doanh nghiệp từ nay đến tháng 10 là không có hy vọng gì vì căn cứ vào các sàn giao dịch thép thì thấy chiều hướng giá sẽ giữ ở mức này"./.